Đăng bởi Để lại phản hồi

CÔ GIÁO LẤY BẰNG ĐẠI HỌC THỨ 3 Ở TUỔI 70

Cô Huỳnh Thị Thu, ngụ xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, được người dân biết đến như một tấm gương theo đuổi việc học tập suốt đời.

70 tuổi nhận bằng đại học thứ ba, ngành ngôn ngữ Trung Quốc.

Thu là cựu giáo viên Trường THCS Cao Hữu Lầu, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, có hai bằng đại học sư phạm ban Việt – Hán và cử nhân sư phạm tiếng Anh. Tháng 8-2022, cô Thu nhận bằng đại học thứ ba ở tuổi 70 khiến nhiều người khâm phục tinh thần theo đuổi việc học của cô.

“Đầu năm học 2018, tôi đi tập thể dục, thấy Trường đại học Đồng Tháp thông báo tuyển sinh hệ vừa học vừa làm, tôi đăng ký học ngành ngôn ngữ Trung Quốc. Nhà trường không chê tôi già, nhận đơn nhập học ngay”, cô Thu kể.

Sau mấy chục năm quay lại giảng đường ngồi cùng các bạn trẻ, đôi khi, cô Thu gặp giảng viên đứng lớp từng là học trò của mình, không khí ngượng ngùng đó qua rất nhanh.

“Bắt đầu nhập học, tôi mua quyển từ điển tiếng Trung mới nhất, dày cộm khệ nệ ôm vào lớp. Mấy em sinh viên chạy đến nói cô ơi bây giờ mình ít tra sách từ điển, tốn thời gian lắm, có hết trên điện thoại thông minh rồi”, cô Thu kể lại kỷ niệm lần đầu đến giảng đường ở tuổi 66.

Thế là qua “phổ cập” nhanh của bạn cùng lớp, cô Thu tậu ngay cái điện thoại cảm ứng có các ứng dụng mạng xã hội, thành lập nhóm trao đổi bài học, lên mạng tra cứu thông tin, tra cứu từ điển, xem cải lương… và nhất là học online vào thời điểm dịch bệnh.

“Việc học bên cạnh giúp tôi thỏa mãn lòng say mê nghiên cứu ngôn ngữ, hơn hết được hòa nhập vào dòng chảy của thời đại mới, tiến bộ, hội nhập. Vậy nên các em còn trẻ, điều kiện học tập đầy đủ, hãy theo đuổi việc học. Khi đi học tôi thấy mình chưa rành sử dụng laptop và điện thoại, tôi muốn đi học thêm chứng chỉ tin học trong thời gian tới”, cô Thu nói thêm.

Nhân lễ vinh danh thành phố Cao Lãnh là “Thành phố học tập” thuộc mạng lưới của UNESCO, cô Huỳnh Thị Thu được UBND thành phố Cao Lãnh trao tặng bằng khen vì đã góp phần xây dựng xã hội học tập.

Nguồn: Tuổi trẻ

Đăng bởi Để lại phản hồi

LÁ THƯ CỦA CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH GỬI CON GÁI

*Bài viết là lá thư của chuyên gia tài chính Mỹ Morgan Housel viết gửi cô con gái nhỏ của mình, được đăng trên tạp chí CNBC.

Vào ngày 3 tháng 6 năm 2019, vợ chồng tôi chào đón cô con gái đầu lòng. Mặc dù lúc này, con bé chỉ ăn và ngủ, nhưng một ngày nào đó, thiên thần của tôi sẽ cần đến những lời khuyên về tiền bạc và cuộc sống này. Là một người cha đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu và viết về tiền bạc, hành vi tài chính và kinh doanh, đây là những điều mà tôi sẽ khuyên con:

1. Đừng đánh giá thấp vai trò của cơ hội trong cuộc sống

Nhiều người thường cho rằng sự giàu có và nghèo đói là kết quả đến từ sự lựa chọn của mỗi người, cũng bởi vậy mà họ đánh giá thấp vai trò của sự may mắn trong cuộc sống này. Con nên nhớ rằng gia đình, xã hội và các giá trị mà chúng ta có kể từ khi được sinh ra cũng như những người mà chúng ta gặp trong đời, tất cả đều đóng một vai trò quan trọng hơn những gì hầu hết mọi người muốn thừa nhận.

Mặc dù chúng ta thừa nhận rằng cố gắng và kiên trì sẽ mang lại phần thưởng và những giá trị, nhưng cũng cần hiểu rằng không phải ai cũng thành công nhờ chăm chỉ và không phải ai nghèo đói cũng là đều do lười biếng. Hãy ghi nhớ điều này khi hình thành ý kiến về người khác, bao gồm cả chính bản thân con.

2. Lợi nhuận cao nhất là khả năng kiểm soát thời gian

Sau này lớn lên con sẽ hiểu việc có thể làm những gì bản thân mong muốn, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu hay với bất cứ ai mà con muốn chính là cấp độ cao nhất của hạnh phúc mà không thứ vật chất nào cũng có thể đem lại.

Cảm giác vui vẻ khi sở hữu những thứ con thích sẽ nhanh chóng biến mất, thế nhưng nếu con có một công việc linh hoạt sẽ giúp con có thời gian làm để những gì mình yêu thích thì con sẽ không bao giờ chán ngán công việc đó. Tích lũy đủ tiền sẽ mang đến cho con thời gian và nhiều sự lựa chọn hơn trên đường đời. Từ đó, con cũng có thể nghỉ hưu khi con cảm thấy thích cũng là điều tuyệt vời.

Sự độc lập, tự chủ là mục tiêu cuối cùng mà mỗi con người chúng ta hướng đến trong cuộc sống. Thế nhưng sự độc lập không phải là một trò chơi được mất, thay vào đó, mỗi đồng tiền mà con tiết kiệm được giống như việc con nắm chắc một phần của tương lai mà không phải chịu sự quản lý hay chi phối từ ai cả.

3. Đừng dựa dẫm vào việc được nuông chiều

Sẽ chẳng ai có thể hiểu giá trị của đồng tiền nếu chưa trải qua sự thiếu thốn, nên mặc dù bố mẹ sẽ luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ con nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ sẽ nuông chiều con.

Sau này khi lớn lên, con hãy học cách chấp nhận một sự thật rằng con không thể có tất cả những thứ mình muốn, điều này sẽ giúp con phân biệt được đâu là nhu cầu và đâu là mong muốn. Từ đó con sẽ học được cách lập ngân sách, tiết kiệm và định giá những gì con đã có. Biết cách tiết kiệm để không khiến cuộc sống bị tổn thương là một kỹ năng sống thiết yếu sẽ giúp con vượt qua những thăng trầm không thể tránh khỏi trong cuộc sống này.

4. Thành công không chỉ đến từ những điều to tát

Napoleon đã từng định nghĩa thiên tài là người có thể làm điều bình thường khi tất cả mọi người xung quanh đều đang “rối trí”. Quản lý tiền bạc cũng vậy. Con không cần phải làm những điều phi thường để có kết quả tốt, con chỉ cần kiên định và không làm hỏng việc quá nhiều lần.

Lời khuyên tốt nhất mà cha dành cho con chính là hãy tránh những sai to lớn, nhất là đâm đầu vào nợ nần, điều này quan trọng hơn bất cứ chiến lược tài chính khôn ngoan nào.

5. Sống dưới mức thu nhập của mình

Khả năng sống dưới mức thu nhập là một trong những đòn bẩy tài chính mạnh mẽ nhất, bởi vì con sẽ kiểm soát tốt hơn những thứ như nguồn thu nhập hay lợi nhuận đầu tư. Người kiếm được 50.000 đô la mỗi năm nhưng chỉ cần 40.000 đô la để hạnh phúc chắc chắn sẽ giàu hơn người kiếm được 150.000 đô la nhưng cần đến 151.000 đô la để hạnh phúc.

Nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận 5% nhưng chi phí thấp sẽ tốt hơn nhà đầu tư kiếm được 7% một năm nhưng lại có chi phí cao hơn. Hãy nhớ rằng việc con kiếm được bao nhiêu tiền không quyết định được con có bao nhiêu và việc con có bao nhiêu cũng không xác định được số tiền con cần.

6. Đừng ngại thay đổi

Sẽ chẳng ai sống cuộc sống mà họ đã mong ước đến vào năm 18 tuổi, vì thế sẽ không sao cả nếu con chọn một chuyên ngành mà cuối cùng lại không yêu thích nó và quyết định từ bỏ. Suy nghĩ của mỗi người sẽ thay đổi theo thời gian. Vì thế nên đừng tự dằn vặt hay làm khó bản thân khi con nhận ra mình đã đi sai đường, thay vào đó, hãy thừa nhận rằng các giá trị và mục tiêu của con đã phát triển. Việc tha thứ cho bản thân vì đã thay đổi suy nghĩ cũng là một siêu năng lực, đặc biệt khi con còn trẻ nên đừng ngại để thay đổi mình con nhé.

7. Mọi thứ đều có giá của nó

Cái giá của sự nghiệp bận rộn là không có thời gian cho gia đình và bạn bè. Cái giá của đầu tư dài hạn là sự không chắc chắn và biến động. Cái giá của những đứa trẻ được nuông chiều, bảo bọc chính là dễ hư hỏng. Mọi thứ trên đời này đều đi kèm với một mức giá nhất định, muốn có được những điều con muốn, con phải chấp nhận đánh đổi.

Một khi chấp nhận điều này, con sẽ bắt đầu xem những thứ như thời gian, các mối quan hệ, quyền tự chủ và sự sáng tạo như những loại tiền tệ có giá trị ngang với tiền mặt.

8. Tiền không phải là thước đo thành công lớn nhất

Tỷ phú Warren Buffett đã từng nói: “Thành công thực sự trong cuộc sống là nhận được tình yêu thương từ những người bạn mong muốn”. Và tình yêu đó chủ yếu đến từ cách chúng ta đối xử với mọi người hơn là tài sản mà chúng ta có.

Tiền bạc không phải lúc nào cũng có thể cho con điều con mong muốn nhất. Vật chất không thể bù đắp được cho nhân cách thiếu sót, thiếu trung thực và sự đồng cảm chân thành với người khác. Đây chính là lời khuyên tài chính quan trọng nhất mà cha có thể dành cho con.

9. Đừng mù quáng tin vào mọi lời khuyên

Tất cả những bài học cha nói ở đây, bao gồm cả bài học cuối cùng là điều mà hầu hết chúng ta hiểu được quá muộn. Thế hệ của con sẽ khác với thế hệ của bố mẹ và ông bà. Không ai giống nhau hoàn toàn và không có ai là luôn đúng. Đừng bao giờ nghe lời khuyên của bất kỳ ai mà không cân nhắc với những giá trị, mục tiêu và hoàn cảnh của riêng mình con nhé.

Cha mẹ yêu con. Chào mừng con đến với thế giới này. Giờ thì hãy ngủ ngon nhé, con yêu!

(Theo CNBC)

Đăng bởi Để lại phản hồi

BỨC THƯ ĐẠT GIẢI NHẤT CUỘC THI VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 51 (2022) CỦA MỘT EM HỌC SINH LỚP 9

Với chủ đề “Viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu”, Nguyễn Bình Nguyên-lớp 9A1-THCS Nguyễn Tri Phương-quận Ba Đình-Hà Nội lựa chọn ý tưởng hóa thân thành ngọn gió gửi thư cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Bức thư đã được dịch sang tiếng Pháp, gửi đi “đua tài” quốc tế.
 Bài viết:
“Đêm trở gió, 20/1/2022
Gửi danh cầm Đặng Thái Sơn với đôi bàn tay kỳ diệu!
Ông có bất ngờ khi nhận lá thư được tạo nên từ những tiếng xào xạc? Là cháu đây, ngọn gió lành, gửi đến ông những lời khẩn thiết.
Cháu đang ở đây, ngay bên cửa sổ! Còn ông ngồi trầm tư bên phím đàn. Ông vừa trở về từ lễ trao giải VinFuture. Ở sân khấu quốc tế với những tên tuổi lừng danh ấy, âm nhạc của ông tạo nên mảnh ghép hoàn hảo cho hy vọng tương lai của nhân loại.
Ông vẫn nói: “Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!”. Cháu cảm biết được tấm lòng của ông với cuộc đời. Nên, cháu hy vọng, ông và nghệ thuật của ông – mang sức mạnh tạo nên thay đổi, cứu vãn thảm hoạ thiên nhiên và gió nhỏ đã tận mắt chứng kiến.
Từ khi được sinh ra từ cơn cựa mình của Mẹ, cháu đã du hành khắp thế gian. Những điều ấm áp cho cháu hạnh phúc và cũng có nhiều điều khiến cháu trăn trở.
Cháu băn khoăn: Một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối diện. Có một ranh giới con người giữ sạch sẽ riêng mình.
Cháu lo lắng: Cũng con phố ấy, ngày hè oi ả, trong khi ai đó nằm điều hoà mát lạnh, thì dưới gầm cầu, góc chợ tạm… còn bao người thở nghẹn trong lồng ngực. Có một ranh giới con người giữ tiện nghi riêng mình.
Cháu hoang mang: Dòng sông phía thượng nguồn đắp đập làm thuỷ điện, tận dụng triệt để sức nước, thì dưới hạ lưu, tập quán của một dân tộc bị tước đi, hoặc cảnh quan của một vùng bị biến đổi. Có một ranh giới con người giữ lợi ích cho riêng mình.
Nhưng hơn ai hết, ông – một nghệ sĩ chọn cho mình cuộc sống không biên giới, hiểu rằng nhìn từ một phía nào đó, mọi ranh giới đều không tồn tại phải không?
Trái đất đang nóng lên. Ở châu Phi, châu Mỹ, châu Âu… mùa hè ngày càng khắc nghiệt. Năm nào cũng có kỷ lục mới được xác lập về nhiệt độ cao hoặc số ngày nắng nóng kéo dài. Họ nhà gió lên cơn sốt trong khí quyển, trong đại dương, trên biển băng và khắp các lục địa.
Có ngọn gió hoảng loạn lao qua những cánh rừng, cuốn theo ngọn lửa tự bùng lên như mất trí. Amazone, châu Úc, Đông Nam Á… tiếng rít lên thê thảm của những loài vật thét gào.
Có ngọn gió điên cuồng giật cấp 16, 17 – siêu bão chồng siêu bão, lũ lụt, sóng thần, nhà sụp, người chết, cả một vùng đô thị, làng mạc bị xoá sổ.
Có ngọn gió vần xuống trước người đàn ông quỳ lạy dòng nước lũ trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời; chẳng khác nào sự huỷ diệt của chiến tranh, những đứa trẻ ngơ ngác tìm người thân trong đổ nát. Liệu còn ranh giới nào cho những ngôi nhà, vùng miền, quốc gia, phe phái?
Ông đã nghe về tất cả những điều này? Ông cũng biết, trước khủng hoảng khí hậu, nếu con người không hành động, thảm hoạ diệt vong cũng sẽ không ranh giới?
“Bạn cứ nghe tôi chơi nhạc, bạn sẽ hiểu tôi muốn nói gì!”.
Hỡi nhạc sĩ tài ba! Cháu khẩu thiết ông lên tiếng kêu gọi con người cứu bầu khí quyển ốm yếu này!
Cháu đã thấy bao trái tim rung lên trước âm nhạc của ông. Bao nhà khoa học, bao chính khách nghiêng mình trước tài năng và nhân cách của ông. Cháu hiểu rằng, ông với âm nhạc của ông mang một tầm ảnh hưởng lạ kỳ, và cháu hy vọng từ ảnh hưởng ấy, hàng triệu người sẽ thay đổi!
Ông ơi, cùng “tầm ảnh hưởng” với ông là những người nắm trong tay khả năng thay đổi thế giới. Các nguyên thủ, tỷ phú, các nhà khoa học, nghệ sĩ có khả năng định hướng tinh thần thời đại. Họ đã cùng ông xuất hiện trong những sự kiện giống VinFuture, ông hãy lên tiếng nối rộng vòng tay tạo nên điều kỳ diệu, cứu lấy tương lai của Trái đất này.
Ông không phải người đầu tiên, nhưng có thể trở thành người quyết định tạo nên thay đổi. Còn cháu – ngọn gió không biên giới – nguyện sẽ cùng ông đưa bản “thiên ca Lời đất mẹ” này tới muôn nơi.
“Hãy để gió hát ca giữa rừng xanh. Rừng không phải để chặt phá!
Hãy để gió đùa vui với sóng biển. Biển không phải để xả rác hay chôn giấu nguồn nước thải.
Hãy để gió sải cánh giữa không gian. Không gian không phải để xe cộ, ống khói túa ra nguồn khí cặn.
Hãy để gió rủ trên cánh đồng, vuốt ve mái tóc bầy trẻ nhỏ, hãy để gió yêu thương…”
Ông ơi!
Cháu có một thỉnh cầu, khi nốt nhạc cuối cùng ngưng lại, ông hãy lên tiếng rằng:
“Tôi, và âm nhạc của tôi, xin góp một hành động chữa lành vết thương của Trái đất này!”
Người bạn của ông – Cơn gió lành từ Đất mẹ!”

Cre: Nhà Nhiều Lá

Đăng bởi Để lại phản hồi

BÀI DIỄN THUYẾT CHẤN ĐỘNG CỦA NỮ SINH VIÊN SAU 10 NĂM TỐT NGHIỆP “NHỮNG NGƯỜI THẮNG Ở VẠCH XUẤT PHÁT CHƯA CHẮC CÓ THỂ CHẠY TỚI CÙNG! QUAN TRỌNG NHẤT LÀ THẤU SUỐT 3 ĐIỀU SAU”

Kính thưa thầy hiệu trưởng, các thầy cô giáo, quý vị phụ huynh và toàn thể các bạn sinh viên thân mến!

Tôi là Chi, sinh viên K98 khoa Mỹ Thuật trường Đại học Đài Loan. Khi tôi 5 tuổi, tôi đã biết được đời này mình sẽ trở thành một nhà nghệ thuật. Năm 18 tuổi, khi đăng ký chuyên ngành đại học, tôi chỉ chọn một khoa, đó là khoa thiết kế của trường đại học Đài Loan, đó là ước nguyện duy nhất của tôi.

Hôm nay là ngày tròn 10 năm sau khi tốt nghiệp. 10 năm sau tốt nghiệp là 10 năm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Và tôi cũng tin rằng, đó là 10 năm quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. 20 tuổi đến 30 tuổi là thời kỳ vàng của bạn, 10 năm sau, bạn muốn trở thành một người như thế nào?Trong suốt 10 năm qua, điều mà tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc nhất đó là lĩnh hội được 3 điều quan trọng sau:

1. Sự lựa chọn của bạn sẽ quyết định bạn là người như thế nào!

Năm tôi 20 tuổi, tôi cảm thấy thế giới này thật bất công. Tại sao có những người không bao giờ phải lo ăn lo mặc? Tại sao có những người có đủ điều kiện để theo học những lớp học đắt tiền? Tại sao họ có thể mua máy tính, điện thoại xịn? Tại sao họ muốn làm gì là gia đình có thể đáp ứng một cách vô điều kiện? Tại sao có những người muốn ra nước ngoài là có thể ra nước ngoài? Muốn khởi nghiệp là có thể khởi nghiệp? Chỉ vì họ sinh ra đã ngậm thìa vàng rồi sao?

Tại sao tôi không thể đủ tiền để mua màu vẽ, in tác phẩm hay thuê sân bãi để mở triển lãm? Tại sao tôi phải đi gia sư mỗi ngày, thậm chí phải làm thêm ở quán cà phê? Tại sao tôi phải tính toán từng đồng để ăn cơm? Tại sao tôi phải tự mình tích cóp tiền để đi du lịch? Tại sao cuộc sống của tôi lại khó khăn đến vậy? Tại sao từ nhỏ tôi đã phải chịu đựng những điều này? Tại sao vậy?

Tôi tự kiếm tiền lo sinh hoạt cuộc sống khi lên đại học. Kể từ sau khi tốt nghiệp, tôi không còn xin tiền bố mẹ nữa. Tôi ở lại thành phố, vừa làm việc kiếm tiền vừa chuẩn bị ra nước ngoài du học. Chỉ nguyên các khoản tiền thuê nhà, chi tiêu sinh hoạt đắt đỏ đã khiến tôi cảm thấy nghẹt thở. Còn lại một chút tiền tiết kiệm, tôi dùng để thi TOEFL, mua sách tham khảo, chuẩn bị tập tác phẩm. Tài khoản ngân hàng của tôi hoàn toàn trống trơn.

Lúc học nghiên cứu sinh ở NewYork, tôi cũng vừa học vừa làm, ăn cháo qua ngày, những lúc nghèo nhất, trong tài khoản của tôi chỉ có 35 đô. Tôi không biết bữa cơm tiếp theo, tiền học phí của kỳ học tiếp theo ở đâu? Còn cả khoản nợ mấy trăm triệu đồng mà tôi đã vay để đi du học nữa. Áp lực tinh thần khiến tôi mất ngủ. Tại sao nhiều người lại có thể vô tư ra nước ngoài du học, sinh sống, du lịch khắp nơi, sắm hàng hiệu còn tôi thì không?

Sự ngờ vực này đã từng xuất hiện trong tâm trí tôi vô số lần. Trong lòng tôi tràn đầy căm phẫn, tôi cảm thấy thế giới này thật bất công bằng. Tôi hiểu hơn ai hết cái gọi là “hận đời”. Đúng thế, thành công dường như là độc quyền của người có tiền. Người ta thành công vì nhà người ta có tiền. Bạn có nghĩ như vậy không?

Thế nhưng, tôi phát hiện ra rằng, việc không ngừng oán trách thế giới này và hợp lý hóa sự thành công của người khác không giúp tôi học được gì. Phê phán người khác không khiến tôi trở nên tốt hơn. Ngược lại khiến tôi rơi vào vòng xoáy của sự tiêu cực, không có tiền bằng với định kiến không thể thành công.

Tôi không muốn trở thành dân đen, đó không phải là thứ mà tôi muốn. Đối lập giai cấp, đối lập giàu nghèo, đối lập chính trị, đối lập thời đại, chúng ta không nên phân biệt lẫn nhau bằng sự đối lập khiến sức mạnh của chúng ta ngày càng nhỏ bé.

Người sáng lập Amazon Jeff Bezos đã từng nói rằng: “Thông minh là món quà bẩm sinh còn lương thiện là một sự lựa chọn – Cleverness is a gift, kindness is a choice”.

Sự lựa chọn của bạn quyết định việc bạn sẽ trở thành một người như thế nào. Tôi lựa chọn chuyên tâm vào việc làm thế nào để khiến mình trưởng thành, làm thế nào để giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng sức mạnh bản thân. Hay thậm chí là hòa đồng với những kiểu người khác nhau, với những người có hoàn cảnh khác với mình. Thay thế sự bài xích bằng sự đồng cảm.

Muốn học hỏi, tự mua sách để đọc; Muốn đi du lịch, tự gia sư kiếm tiền; Muốn đi du học, tự xin học bổng… Tìm cách để chi trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống. Điều này khiến tôi không ngừng tích lũy trưởng thành. Khiến trái tim tôi lớn lên từng ngày, đồng thời giúp tôi thoát khỏi những suy nghĩ “hận đời” tiêu cực.

Sự lựa chọn này giúp tôi thành công có được chỗ đứng trong top 500 công ty lớn nhất nước Mỹ sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở NewYork. Đồng thời giúp tôi trả hết tất cả những món nợ học phí bằng chính sức lực của mình vào năm 27 tuổi. Hoàn thành ước nguyện du học mà không tiêu tốn một đồng tiền nào của cha mẹ. Từ đó về sau, tôi gửi toàn bộ số tiền mà mình kiếm được về cho gia đình, để cải thiện tình hình kinh tế.

Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai.

Đừng oán trời trách người hay hận đời, dù là việc tốt hay điều xấu thì đều có ý nghĩa cả, bởi chúng sẽ khiến bạn trở thành một người tốt hơn.

Thế giới này thực ra rất công bằng.

Sau 30 tuổi, tôi phát hiện ra rằng, thế giới này thực ra rất công bằng.

Những người bạn tài ba, những đứa trẻ con nhà giàu, những người bạn du học nước ngoài trước đây luôn là những người có điều kiện tốt hơn tôi rất rất nhiều. Nhưng sau 10 năm tốt nghiệp, có những người phải làm những công việc mà họ không thích, có những người thường xuyên kêu than oán trách cuộc sống. Nhiều lúc, tôi tự nhủ: “Rõ ràng họ là top những người thắng lợi, tại sao lại thành ra như vậy?” Tôi đã từng rất ngưỡng mộ điều kiện của họ, nhưng giờ đây lại đến lượt họ phải ngưỡng mộ cuộc sống của tôi.

24 tuổi một mình đơn độc đến Mỹ du học, 26 tuổi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, 27 tuổi trả hết các khoản nợ học phí, 29 tuổi giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Thị giác New York, 30 tuổi xuất bản tự truyện cá nhân.

Cuộc đời giống như một cuộc chạy đua Marathon, những người thắng ở vạch xuất phát chưa chắc đã có thể chạy đến đích cuối cùng.

Rất nhiều người có suy nghĩ rằng: “cuộc đời giống như một cuộc chạy đua 100 mét, thua ở vạch xuất phát coi như hết hy vọng”, vậy nên họ mới nghĩ rằng không được thua ở vạch xuất phát.

Nhưng thực ra cuộc đời rất dài, nó là một cuộc chạy đua đường dài đầy thử thách ý chí và nghị lực. Sẽ có rất nhiều thử thách về tâm sinh lý, những người chạy được đến đích cuối cùng thường không phải là những người thừa thắng xông lên ngay từ đầu, cũng không phải là những người nhìn trước ngó sau chỉ quan tâm tới đối thủ. Mà ngược lại những người dành chiến thắng sẽ luôn là những người biết quan tâm tới bước chân, nhịp thở cũng như tốc độ tiến bước của mình.

Con người dù có tiền hay không, tướng mạo xấu đẹp, tài năng cao thấp cũng đều phải trải qua khó khăn, thử thách, thăng trầm. Ai cũng sẽ gặp được những cơ hội, đường đi thuộc về mình. Thực ra thế giới này không hề thiên vị bất cứ ai, mọi thứ đều rất công bằng.

Nếu cuộc đời cho bạn quả chanh, vậy thì bạn hãy làm nước chanh ép. Hành trình đường đi của mỗi người đều không giống nhau, mỗi người một vẻ, không cần ai phải ngưỡng mộ ai. Hãy trân trọng tất cả những gì mình có, là một người lương thiện vui vẻ hơn rất nhiều so với một người hay phẫn nộ oán thán.

Đừng chỉ vì sự ổn định nhất thời mà không dám dang rộng đôi cánh bay cao và bay xa. Đừng tham những đồng tiền chớp nhoáng mà bỏ lỡ cơ hội trưởng thành, bước đi trên một con đường gian khổ chắc chắn sẽ khiến bạn trở thành một con người kiên cường và nghị lực hơn rất nhiều.

2. Hãy là phiên bản chính mình tuyệt vời nhất, không cần phải so sánh với bất cứ ai

Tôi bắt đầu bị mất ngủ từ năm 19 tuổi. Đêm nào cũng vậy, mỗi tối tôi đều nằm trong ký túc xá ngắm nhìn thời gian trôi qua, một giờ, hai giờ, ba giờ cho đến tận năm giờ mới mệt mỏi ngủ thiếp đi. Đây không phải là cuộc sống đại học tốt đẹp mà tôi đã từng tưởng tượng: một mình lặng lẽ khóc thầm trong đêm.

Nhìn bề nổi, cuộc sống đại học của tôi dường như rất thành công, mang lại cho tôi một CV đẹp. Với nhiều giải thưởng thiết kế, tham gia nhiều hoạt động, diễn đàn, triển lãm, nhận được học bổng sinh viên xuất sắc, đứng thứ 2 toàn khóa trong buổi tốt nghiệp. Mọi thứ dường như đều rất tỏa sáng, nhưng đại học lại là thời kỳ tẻ nhạt nhất trong cuộc đời tôi.

Tôi khao khát thế giới này khẳng định mình, tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh, bạn học đều yêu quý tôi. Vậy nên tôi bắt đầu tham gia đủ các cuộc thi, biến mình trở thành một sinh viên tốt trong trường đại học. Hết lòng theo đuổi thứ bậc, xếp hạng, cạnh tranh điểm số. Tôi rất muốn có thể nhanh chóng thành công, để thế giới này có thể nhìn thấy tôi. Tôi muốn lấy lòng tất cả mọi người, nhưng trớ trêu thay tôi lại lúc chìm lúc nổi trong mắt họ, khiến tôi đánh mất mình, trở thành một người mà ngay đến bản thân tôi cũng không thể yêu thương nổi.

Stress, trầm cảm giày vò tôi suốt 6 năm liền mãi cho tới khi tôi đi làm, ra nước ngoài và tốt nghiệp nghiên cứu sinh.

Tôi quyết định từ bỏ theo đuổi tất cả những trò chơi vô hạn, trẻ so thành tích, ra xã hội so thu nhập, so xe ai đắt hơn, nhà ai mua nhiều tiền hơn, so ai lấy chồng sớm hơn, ai sinh con nhanh hơn. Sinh con xong vẫn chưa đủ, lại bắt đầu so đo con ai học giỏi hơn. Ai nấy cũng đều cố gắng hết sức để trở thành một người tốt hơn người khác về mọi mặt. Dù bao nhiêu tuổi cũng không thể so đo hết được, đau khổ vẫn mãi tồn tại.

Nhà tâm lý học Alfred Adler đã từng nói rằng: “Bạn không sống vì sự hài lòng của người khác, người khác cũng không sống vì sự hài lòng của bạn”.

Đừng nên để ý đến sự bình phẩm hay đánh giá của người khác. Cũng không cần phải tìm kiếm sự tán đồng của họ. Hãy suy nghĩ và tiếp nhận diện mạo vốn có của mình. Người duy nhất mà bạn cần lấy lòng đó là chính mình.

Vậy nên, tôi bắt đầu tiếp nhận chính mình, tôi không còn cố gắng theo đuổi kết quả của những cuộc thi, hài lòng sự mong đợi của xã hội khiến tôi lần đầu tiên cảm nhận thấy được sự tồn tại của chính mình. Tôi thậm chí còn nhìn thấy khuyết điểm của chính mình, thoát khỏi chứng trầm cảm. Tôi không muốn sống trong bong bóng mỹ miều một cách mù quáng, tôi muốn hiểu người khác và thậm chí là chính mình một cách chân thực nhất, bằng một khoảng cách chính xác nhất.

Tôi không muốn làm người thành công hay vĩ đại nhất trên thế giới này, tôi chỉ muốn là một phiên bản của chính mình tốt nhất. Tôi bắt đầu rũ bỏ gánh nặng thành tích, sự ưu việt cứng nhắc, lột xác là chính mình. Điều này ngược lại khiến các tác phẩm của tôi như được phủ thêm một lớp từ trường thu hút được rất nhiều các giải thưởng lớn trên toàn cầu. Đây là kết quả mà trước đó cho dù tôi có làm vừa lòng người khác như thế nào cũng không thể có được.

Kiến trúc sư người Nhật Ando Tadao đã từng nói rằng: “Theo đa số ắt sẽ đánh mất chính mình, thứ duy nhất có thể làm đó là tiếp tục làm những việc mà bản thân muốn, sống là chính mình”.

Khi bạn biết cách tiếp nhận chính mình, thế giới sẽ bắt đầu khẳng định, lắng nghe và trả lời những cảm nhận chân thành nhất của bạn.

Các bạn thân mến, các bạn chính là tấm gương tốt nhất của mình, không cần phải so sánh với người khác. Chỉ cần các bạn đã từng cố gắng thì bất cứ xếp hạng nào, kết quả nào cũng đều là tốt nhất. Đừng đánh mất con tim các bạn. Hãy tin rằng, chỉ cần cố gắng hết mình, dù kết quả như thế nào cũng đều đáng tự hào cả.

3. Thế giới có thể không tốt đẹp hơn nhưng bạn nhất định phải càng dũng cảm hơn

Xã hội này chưa chắc sẽ như ý bạn, thế giới cũng sẽ không vì thời khắc tốt nghiệp của bạn mà trở nên thái bình như gấm thêu hoa. Các bạn có thể cũng sẽ giống như tôi, mắc chứng trầm cảm, gánh nợ, rơi vào khủng hoảng không biết phải làm như thế nào.

Tôi rất thích một câu nói rằng: “Cuộc đời giống như quả trứng muối, phải rạn nứt mới vừa vặn”.

Hãy thử ôm lấy những vết rạn nứt trong cuộc đời, tận hưởng khiếm khuyết của bản thân, bởi đó có thể là những hương vị mà không phải ai cũng copy hay cover được. Chỉ có bạn mới có thể chế biến được những món ngon mỹ vị nhất cho cuộc đời của chính bạn.

Chỉ khi trải qua rồi mới có thể trưởng thành, cuộc sống mới trở nên phong phú. Tiềm lực của con người là vô hạn, một khi chịu đựng được những nỗi khổ mà người khác không phải chịu, làm được những việc mà người khác không thể làm thì mới có thể tận hưởng được tất cả những gì mà người khác không thể tận hưởng.

Các bạn sinh viên thân mến,

Thứ nhất, hãy trở thành con người mà các bạn muốn, đừng để cảm xúc tiêu cực vùi dập;

Thứ hai, hãy so sánh với chính mình, thưởng thức chính mình, đừng cố gắng thỏa mãn ánh mắt thế tục;

Thứ ba, hãy thử ôm lấy sự bất công, không hoàn mỹ, không viên mãn của thế giới này, cố gắng góp công sức nhỏ bé của mình để lấp đầy những khoảng trống, góc khuyết trong xã hội. Hãy là một người lương thiện, hăng hái giúp đỡ người khác.

Hãy làm phiên bản tuyệt vời nhất của chính mình, thế giới có thể không tốt đẹp hơn, nhưng bạn nhất định phải dũng cảm, kiên cường và bất khuất hơn. Chúc các bạn thành công!

Nguồn:cafebiz

Đăng bởi Để lại phản hồi

KHÁC BIỆT GIỮA NGƯỜI ĐỌC SÁCH NHIỀU VÀ NGƯỜI KHÔNG ĐỌC SÁCH GÌ ?

Để giữ được thói quen thường xuyên đọc sách, không hề dễ. Tuy nhiên, đọc sách thường xuyên sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rộng hơn, bao dung, đồng cảm hơn với những người xung quanh.

1. Người thường xuyên đọc sách sẽ biết cách giao tiếp

Đương nhiên rồi, đọc sách nhiều, biết nhiều chuyện nên việc “nhập cuộc” trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngày trước, tôi không hiểu nhiều về Đài Loan nhưng sau này đọc được một cuốn sách của một tác giả người Đài Loan sinh sau năm 70; từ đó hiểu được không ít chuyện về quốc gia này.

Tôi còn nhớ trong sách có một đoạn kể về cuộc tuyển cử thị trưởng Đài Bắc, vì để tranh cử mà Trần Thủy Biển đã tạo ra một chiến dịch bán hàng từ thiện, bán một loại mũ len màu xanh đậm. Điều không ngờ là chiếc mũ len ấy bất ngờ lại bán chạy ngoài tưởng tượng khiến tất cả người trẻ đều muốn sở hữu một chiếc.

2. Người thường xuyên đọc sách sẽ nhìn thấu được sự việc

Đọc sách nhiều sẽ giúp hiểu được những đạo lý và những nguyên lý xuất hiện phía sau một hiện tượng nào đó. Bởi có một số chuyện nhìn có vẻ bình thường nhưng ẩn sau đó là những nguyên lý kinh tế học, tâm lý học… Người có kiến thức sẽ hiểu sâu sắc hơn.

Chẳng hạn, một thương hiệu đồ ăn nhanh bán một chiếc hamburger giá 50.000 nhưng bán theo set tức là một chiếc hamburger và một nước có ga giá 65.000. Khả năng cao bạn sẽ chọn mua theo set vì thấy giá rẻ. Theo “hiệu ứng mỏ neo”, khi nhìn thấy giá của một chiếc hamburger bán lẻ, bạn chỉ coi đó là vật tham khảo và ngay lập tức chọn mua set đồ ăn. Thực ra, đó là một trong những nghệ thuật bán hàng mà thôi và không ít người trong chúng ta đã nhiều lần rơi vào “cái bẫy” này.

3. Người thường xuyên đọc sách có sự đồng cảm lớn

Đối với những người hay đọc sách, đặc biệt sách văn học, tâm hồn họ tinh tế, nhạy cảm hơn đối với những việc xảy ra xung quanh bản thân. Tiếp thu được cái nhìn sâu sắc đối với những nhân vật trong truyện, họ dễ dàng đặt bản thân mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ cho những người xung quanh. Chính vì thế, trong họ dễ sinh sôi sự đồng cảm với người khác dù có keo kiệt như Grande (Nhân vật trong tiểu thuyết Oyeni Grande của Balzac) hay điên khùng giống Đôn Ki-hô-tê.

4. Người thường xuyên đọc sách dễ bao dung với những quan điểm khác nhau

Tất nhiên rồi, đọc sách nhiều, dễ đồng cảm, dễ bao dung bởi họ thấy được những quan điểm khác nhau của nhiều tác giả về một chủ đề, và thậm chí quan điểm của họ cũng chẳng giống một tác giả nào cả. Sau khi đọc sách, nhiều người sẽ bắt đầu suy nghĩ về việc tại sao người kia lại có quan điểm như thế còn mình thì không, quan điểm này có đáng học hỏi không… Ngược lại, người không đọc sách nhiều có xu hướng bảo thủ, cố chấp trước quan điểm của người khác.

5. Người thường xuyên đọc sách có sự ham học hỏi

Ngoài những người thường xuyên đọc sách vì lý do công việc và nâng cao chuyên môn, phần lớn những người thường xuyên đọc sách đều có lý do là họ thích đọc sách, thích tìm hiểu và khám phá một thế giới khác trong sách. Đối với những người này, bên trong họ luôn tồn tại sự hiếu kì rất lớn cho dù ở độ tuổi bao nhiêu. Bởi nói thẳng ra, kiến thức của mỗi chúng ta chỉ như hạt cát ở đại dương mà thôi.

6. Người thường xuyên đọc sách rất khách quan

Bản chất con người luôn là chủ quan, ích kỉ, đứng về phía lợi ích bản thân; nhưng người đọc sách nhiều sẽ thấu tình đạo lý, biết cách nhìn vấn đề từ vị trí khách quan. Để có cái nhìn khách quan nhất, chắc hẳn người đó đã phải dũng cảm lắm để vứt bỏ những lợi ích cá nhân làm mờ đôi mắt.

NGUỒN https://cafef.vn/khac-biet-giua-nguoi-doc-sach-nhieu-va…

Đăng bởi Để lại phản hồi

CHUYÊN GIA NHƯỢNG QUYỀN NGUYỄN PHI VÂN: LÀM VIỆC Ở CÔNG TY NHỎ HAY TẬP ĐOÀN LỚN KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG SẾP CỦA BẠN LÀ AI !

Trích ĐAM MÊ.

Tôi thấy mọi người đang nói về nó với một màu “rất hồng”, rất cầu vồng. Đam mê không viển vông như vậy đâu các bạn! Đam mê rất hiện thực. Nói tới đam mê, bạn phải hiểu 4 điều:Thứ nhất, bạn phải biết rõ “Tôi thích cái gì?”. Thứ hai, “Tôi có giỏi nó hay không?”. Nếu bạn không giỏi thì không gọi đó là đam mê được. Thứ ba, “Thế giới có cần cái đam mê của bạn hay không? Nó có tác động, tạo được ảnh hưởng gì cho xã hội và cộng đồng hay không?”. Và cuối cùng, “Người ta có trả tiền cho cái đam mê ấy của bạn hay không?”.

Tất cả 4 yếu tố này cộng lại với nhau mới gọi là đam mê thật sự….

Mỗi người sinh ra có sứ mệnh riêng. Có người sinh ra chỉ để giúp cho một người bạn, cho gia đình, con cái mình… nhưng cũng có người sinh ra sứ mệnh của họ là giúp đỡ cộng đồng, xã hội, thế giới. Vậy thì sứ mệnh của chúng ta là gì thì hãy sống tốt nhất, trọn vẹn nhất với sứ mệnh ấy. Bạn chỉ cần sống thật tốt, tử tế, đàng hoàng, không làm hại ai, nếu có thể hãy giúp đỡ một người ở ngay bên cạnh mình thì đã là sống có ý nghĩa rồi. Bạn không cần ép bản thân phải giúp đỡ thật nhiều người trong khi không có khả năng làm điều đó.Mình sống sao để có được bình an và mang lại bình an cho những người xung quanh, là đủ.

Nguồn : https://m.cafebiz.vn/chuyen-gia-nhuong-quyen-nguyen-phi…

Đăng bởi Để lại phản hồi

MẸ VIỆT NHẮN GỬI CON TRAI DU HỌC NƯỚC NGOÀI:” CON ƠI NẾU TRỞ VỀ, HÃY BIẾT NÓI LỜI CẢM TẠ VÌ CHÚNG TA QUÁ MAY MẮN LÀ NGƯỜI VIỆT NAM”

Mẹ Việt nhắn gửi con trai du học nước ngoài: “Con ơi nếu trở về, hãy biết nói lời cảm tạ vì chúng ta quá may mắn là người Việt Nam”

Nếu trở về, con ơi !!

Con ơi, nếu trở về Tổ Quốc mình, giữa đại dịch covid-19, điều đầu tiên con nên làm là hãy nói lời cảm tạ, với các cô chú tổ bay, với chú lái xe, anh vận chuyển những vali hàng …. vì giữa dịch bệnh họ đã nỗ lực giúp con trở về khi mà cả thế giới dường như rất nhiều quốc gia đã cảnh báo cách ly và sẵn sàng từ chối con.

Nếu trở về, hãy cảm tạ những anh bộ đội, công an, những tình nguyện viên, những người dân ở những nơi con đi qua từ cửa khẩu sân bay, về nơi cách ly để được chăm sóc.

Hãy cảm tạ những xuất ăn quý giá, những sự phục vụ tận tâm hết lòng hết sức của tất cả các lực lượng, vì con mà mọi người đã nỗ lực hết sức. Vì con mà không ai có ngày nghỉ. Vì con mà em bé của các cô chú ấy, cha mẹ cô chú ấy có thể cũng đang bệnh mà cô chú ấy thay vì chăm cha mẹ, con cái thì họ lại dành tâm sức chăm sóc con.

Hãy cảm tạ những y bác sỹ tuyệt vời. Những trái tim mở rộng đón con trở về, theo dõi sức khỏe cho con, hướng dẫn con và giúp con điều trị nếu chẳng may con dính bệnh. Con luôn nhớ rằng, họ gần như không ngủ, gần như dành trọn quỹ thời gian quý giá, sức lực, sự cân não để bảo vệ con.

Và, hãy cảm tạ đất nước mình, các bác lãnh đạo, những người chỉ huy ở từng tuyến, từng cấp. Đã vì con, bao ngày qua vắt sức, nỗ lực để đảm bảo an toàn cho con và gia đình con nữa…Họ, là những người bảo vệ nhân dân. Bảo vệ chúng ta lúc nguy nan này. Chỉ có mẹ Tổ Quốc yêu quý luôn chờ đón, rộng mở tấm lòng đón con trở về, dù con ở đâu, con như thế nào. Con trở về, mẹ Tổ Quốc mừng, dẫu chính con có thể khiến cho mọi người thêm những vất vả, thách thức khi chống đại dịch này…

Vì thế, hôm nay mẹ đã hiểu, vì sao con vẫn hay nói con muốn trở về. Mẹ tin, con có lý do để luôn hướng về điều đó.

THEO BÁO: http:// toquoc.vn

Đăng bởi Để lại phản hồi

ĐẠI HỌC Y THÁI BÌNH MIỄN TOÀN BỘ HỌC PHÍ CHO THÍ SINH ’10 NĂM CÕNG BẠN TỚI TRƯỜNG

TTO – Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo vừa cho hay thí sinh Ngô Văn Hiếu, chàng trai cõng bạn đến lớp trong 10 năm, đã đủ điểm vào Đại học Y Thái Bình. Trường sẵn sàng miễn học phí trong suốt thời gian Hiếu theo học tại trường.

Theo Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), thời gian qua, câu chuyện cảm động về đôi bạn thân cõng nhau đến lớp trong 10 năm ở xóm 1, xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa đều đạt điểm số trên 28 điểm thi đại học đã được cộng đồng chia sẻ, khâm phục ý chí, nghị lực và học tập của hai bạn trẻ Ngô Văn Hiếu và Nguyễn Tất Minh.

“Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo đánh giá cao tinh thần tương trợ lẫn nhau trong học tập của hai bạn, và nỗ lực vượt lên khó khăn, thử thách để cùng nhau phấn đấu đạt được những kết quả cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020” – thông tin từ Bộ Y tế cho biết. 

Nguyễn Tất Minh, một trong 2 chàng trai, bị tật nguyền bẩm sinh khiến đôi chân và cánh tay phải co quắp, càng lớn càng teo lại, nhưng Minh rất ham học và luôn mơ ước được đi học như các bạn cùng trang lứa. Ngô Văn Hiếu vì thương hoàn cảnh của bạn đã tự nguyện làm “đôi chân” cõng bạn đến trường suốt 10 năm học, không quản ngại nắng mưa.

Trong kỳ thi vừa qua, với kết quả thi 28,15 điểm của mình, Ngô Văn Hiếu đã đủ điểm đỗ vào Trường đại học Y Thái Bình. Trường đại học Y Thái Bình sẵn sàng miễn học phí trong suốt thời gian Hiếu theo học tại trường và sẽ tạo điều kiện học tập tốt cho Hiếu để theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai.

“Để trở thành một bác sĩ giỏi, một người thầy thuốc có tâm, cống hiến cho xã hội thì việc học tập, trau dồi kiến thức và y đức nghề nghiệp cần rèn luyện suốt đời. Do đó chỉ mong Hiếu có ý chí, quyết tâm và nghị lực thì sẽ có thể học thêm tiếp sau đại học tại Trường đại học Y Thái Bình hoặc Đại học Y Hà Nội và trở thành một bác sĩ giỏi để phục vụ nhân dân” – Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo chia sẻ.

Để động viên nghị lực của hai bạn có thể tiếp tục học tập tốt trên giảng đường đại học, bạn Nguyễn Tất Minh đã đỗ vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng thăm khám và hỗ trợ điều trị sức khỏe cho Minh và hỗ trợ Minh về y tế trong thời gian Minh học đại học.

“Bộ Y tế mong muốn hai bạn sẽ tiếp tục có ý chí vươn lên trong cuộc sống và phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập để mỗi ngày tiến gần đến thực hiện hóa ước mơ của mình” – thông cáo của Bộ Y tế viết.

Trước đó, cộng đồng mạng xôn xao vì điểm của Hiếu suýt soát điểm đỗ Đại học Y Hà Nội, đã có ý kiến đề nghị Đại học Y Hà Nội “ưu tiên” tiếp nhận thí sinh này. Tuy nhiên đã có những ý kiến cho rằng nên để Hiếu đến đăng ký và học các trường đúng với điểm đậu của mình vì bạn là một học sinh có năng lực, hoàn toàn có thể vào trường bằng đôi chân của mình.

THEO BÁO TUỔI TRẺ.

Đăng bởi Để lại phản hồi

NHỮNG NGHỆ SỸ

Mẹ tôi, chiều cuối năm theo bà nội tôi đi chùa, gặp tai nạn rồi không bao giờ về với chị em tôi nữa.

Hồi ấy tôi mới 9 tuổi. Ngày nhìn mẹ lần cuối trong phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, tôi vẫn chưa biết rằng ai mất mẹ sẽ mất nhiều đến thế nào trong cuộc đời. Mãi sau này, khi đã lớn và biết mình đã mồ côi, tôi mới hỏi, mẹ là người của Nhà thờ, sao bữa đó lại đi chùa?

Ba tôi, cả đời chưa bao giờ bước vô rạp cine, hôm ấy lại đi coi phim, rồi “có biến”. Cha của con trai tôi, phát hiện bệnh nan y trong tinh thần lạc quan nhất, với điều kiện chữa trị tiên tiến. Vậy mà một ngày, lời hẹn bay về Việt Nam ăn bữa cơm đã đột ngột rơi.

Thầy tôi, Nghệ sỹ Nhân dân Phùng Há, ở ngưỡng cửa trăm năm, ngọn đèn ấy một ngày cạn dầu. Đón bà về chùa, tôi lặng nhìn người ra đi vào thời khắc nửa đêm về sáng.

Tắt, mở; mở rồi lại tắt, tôi nhìn từng khuôn mặt trong từng khung hình để bàng hoàng nhận ra, một năm của mất mát lớn với làng nghệ thuật. Một năm rất nhiều cái tên tài năng, nhiều nghệ sỹ đã đi xa.

Và những ngày này, lại một tài năng của làng hài. Viết những dòng này, tôi vẫn không tin, nụ cười hiền ấy đã tắt, gương mặt lành ấy đã yên giấc, tính cách sôi động, trẻ trung, lạc quan ấy đã đi xa. Tôi vẫn chưa tin, bởi sự ra đi ấy quá bất ngờ, tức tưởi. Tôi lặng nhìn khuôn mặt rất quen ấy, dù chưa gặp nhau, làm việc cùng nhau nhưng dậy niềm yêu mến từ rất lâu. Một người dung dị, một thái độ làm nghề tận tâm, một lối sống an hòa.

Cũng như bao đồng nghiệp của anh, thường ngày họ tinh nghịch, vui đùa, đêm nay, ngày mai, họ thất thần, thảng thốt. Những khán giả luôn trông chờ anh để được vui cười, thư giãn, họ lặng lẽ khóc, tiếc thương một người luôn mang lại niềm vui cho nhân thế.Anh đã sống được và được sống vĩnh viễn trong lòng người ở lại – như thế, anh đã quá hạnh phúc. Tiếng đàn trong veo, tài hoa, nụ cười cho muôn người, như cái tên Chí Tài anh đã mang. Chí Tài ơi! đã tắt một nụ cười, nhưng để lòng người tìm về với nhau, nhận ra nhau, hàn gắn và thứ tha, yêu thương và kết nối.

Mất mát là thật. Nhưng với sự thật không thể cưỡng cầu ấy, đau xót thay, tất cả chúng ta đều phải chấp nhận, để trong cuộc tiễn đưa sau cùng, mỗi người trong chúng ta lần lượt cúi đầu chào nhau, rồi chào chính chiếc bóng đời mình. Vĩnh viễn.Vậy đấy, quanh mình, cạnh mình, càng sống càng chứng tận nhiều mất mát. Đặt trong chuỗi đời người, với bao chuyển động, niềm xúc cảm, mối quan hệ thâm tình, sự đến và đi ấy đầy những giằng xé, đau đớn, tiếc thương. Đặt trong quy luật của muôn loài, là vòng tròn sinh – tử, có – không, hữu hình – vô hình.

Cho nên, từ rất lâu rồi, tôi luôn nghĩ và sống như thể chỉ còn một ngày mai thức dậy. Có thể đêm khuya nào đó, mình chìm sâu trong giấc ngủ của trời. Để không mảy may tiếc nuối, trách móc, để chỉ tận tình yêu thương, để hiểu không ai đúng tuyệt đối, chẳng ai quấy hoàn toàn. Bản thân mình cũng lúc đúng lúc sai, lúc sáng lúc tối. Chỉ duy nhất, tự nhắc mình, chân thành với mọi đúng sai, vui buồn, được mất.

Tôi vốn không thích bi kịch hóa mọi thứ trong đời. Nhưng tôi thấy bạn nghề của tôi, một quái kiệt của làng hài, Nghệ sỹ Nhân dân Ngọc Giàu, phải bước qua bao mất mát đời riêng. Chỉ cần một cái ngoéo tay dị tướng, đôi ba câu thoại tưng tửng đã khiến hàng triệu người cười ngả nghiêng thì đâu đó trong đời, “Cô Bảy Cán Vá” lại có lúc lặng lẽ khóc tiễn núm ruột của mình.

Cả đời theo nghiệp cải lương, tôi biết không phải tự dưng khán giả thương người nghệ sỹ, thương mấy cái tuồng, vì trong đó có rất nhiều thông điệp đặc trưng cho tâm hồn người Việt, nói hộ lòng dân chúng. Giá trị nghệ thuật nằm ở nội dung tuồng tích, chất lượng giọng ca, cách diễn, thần thái người nghệ sĩ, là tính nhân văn, phê phán hay ca ngợi đều để làm con người tốt hơn.

Nghệ sĩ, trong thiên chức được trời và người đời đã chọn, họ bước qua lằn ranh nghiệt ngã cuộc đời để diễn trình trên sân khấu. Những vai diễn, nhiều khuôn mặt, mà có khi là đối nghịch, là phép nhân của những mất mát mà đời thường, đôi khi buộc họ phải tự trừ chia đi rất nhiều.

Khi có ba người đàn ông đến hỏi cưới, Má Bảy Phùng Há nói một câu mà tôi nhớ mãi: “má có một cái tên khán giả thương nên phải làm cho trọn vẹn công chuyện trời đất. Trời sanh ra mình thuộc về tất cả mọi người chứ không phải một người”.

Nghệ thuật chỉ tồn tại nếu có nghệ sỹ và khán giả kế thừa. Tôi tin và hy vọng, sau những mất mát, người ở lại sẽ cùng nhau gây dựng. Như nhiều người hỏi tôi, cải lương có “chết” không. “Không”, tôi trả lời, cải lương sẽ sống đều, sống dài, âm thầm và bền bỉ.

Thời tôi vào nghề, các nghệ sĩ bảo nhau, “cải là cải cách, cải thiện con người; lương là lương thiện, nâng đỡ lương tâm của con người”. Bởi nói hộ lòng người nên nghệ thuật và những nghệ sỹ chân chính còn sống mãi.

Bạch Tuyết

Nguồn : https://vnexpress.net/nhung-nghe-sy-4205000.html

Đăng bởi Để lại phản hồi

ANH MINH BÁN RAU RƠI NƯỚC MẮT VỀ CON GÁI ÚT:”NẾU CÓ MỘT ĐIỀU ƯỚC, CHỈ ƯỚC CON BÉ CÓ THỂ Ở VỚI VỢ CHỒNG TÔI THẬT LÂU”

“Bây giờ mình chẳng dám mong gì cao xa, bởi vì bệnh tật con như vậy, điều mong mỏi duy nhất của mình lúc này là con bé có thể sống được lâu nhất với vợ chồng mình”, anh Minh rơm rớm nước mắt khi nói về cô con gái út. Bất ngờ nổi tiếng “rần rần” trên mạng xã hội với hành động đẹp, với những châm ngôn “chất như nước cất” đi vào lòng người, nhưng ít ai biết, phía sau những sạp rau nghĩa tình xen lẫn mưu sinh với “hàng nghìn lời ca tụng” ấy, anh Phạm Hồng Minh (sinh năm 1983) lại là một “người cha đặc biệt” trong gia đình… Rơi nước mắt khi nói về gái út Với vẻ ngoài gai góc, thậm chí thoạt nhìn có thể hơi “dữ dằn” nhưng chẳng ai biết được, người cha ấy cũng có những lúc yếu lòng không thể kìm nén được cảm xúc, nhất là khi được ai đó hỏi đến con gái út của mình.

Anh Minh kết hôn và sinh lần lượt 3 người con. Bé gái lớn năm nay học lớp 9, bé trai thứ hai lên lớp 7 còn cô bé thứ ba mới tròn 15 tháng. Anh Minh kể về các con: “2 đứa lớn chúng nó ngoan lắm, biết thương bố mẹ vất vả nên từ bé đã tự giác học rồi chơi, phụ bố mẹ những việc vặt trong nhà. Mới đây còn được học sinh giỏi đấy… Nhưng còn bé út thì…”. Nói đến đây, giọng anh Minh trùng xuống: “Con bé không được bình thường như anh chị nó, cháu nó thiệt thòi nhất nhà…”. Anh Minh kể, từ khi biết vợ anh mang thai con thứ 3, anh vô cùng hạnh phúc, bởi anh nghĩ, người ta giàu của thì mình giàu con. Niềm hạnh phúc của 2 vợ chồng cứ hân hoan theo từng ngày con lớn lên trong bụng mẹ. Ấy thế mà… tin dữ ập đến khi cái thai đã được 24 tuần. “Hôm đó bác sĩ gọi vợ chồng mình vào nói con có bất thường. Lúc đó bác sĩ chỉ nói là bất thường thôi, không nói rõ, rồi bác sĩ giới thiệu vợ chồng mình lên BV Từ Dũ để khám kĩ hơn. Nhưng lúc đó, vợ chồng mình vẫn mong con được ra đời, cho dù… Vợ chồng mình xác định sẽ đón nhận con và cố gắng”, nói đến đây, anh Minh không kìm nén được cảm xúc. Thời gian thấm thoắt trôi, cũng đến ngày vợ chồng anh Minh được đón con gái nhỏ Tố Nhi (bé Su) chào đời. Biết con không được như những đứa trẻ khác, nhưng vợ chồng anh Minh vẫn không thôi hy vọng. 2 vợ chồng gửi các con lớn cho ông bà, bồng bế bé Su đi khắp nơi để “cầu cứu” bác sĩ. Đi khắp các bệnh viện, thậm chí ngược ra cả Hà Nội khám, nhưng cuối cùng kết luận của bác sĩ đã khiến anh Minh và vợ như ngã quỵ: “Đi khắp nơi, cuối cùng các bác sĩ ở những bệnh viện ấy có chung một kết quả, bé Su bị tim, tim người ta có 4 vách ngăn thì con gái mình không có ngăn nào. Con bé còn bị biến đổi nhiễm sắc thể (dẫn đến hội chứng Down) nên tôi càng quặn thắt tim gan khi nghĩ đến con bé. Vậy là sự hy vọng nhầm lẫn của các bác sĩ là hoàn toàn không có. Mình phải chấp nhận!”. Kể từ ngày bé con ra đời, sẵn bệnh tật lại ăn uống kém, thấy con gầy yếu vợ chồng anh Minh càng xót xa hơn. Anh tâm sự: “Tới bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, các bác sĩ nói tình trạng của con mình nặng lắm, cần mổ sớm, không thể để lâu được. Trên đường về, mình ngồi trong xe mà nước mắt cứ tuôn trào. Vì mình không biết sẽ phải lựa chọn ra sao, tỉ lệ thành công sau mổ rất thấp. Mình nghĩ nếu mổ ngay mà ca phẫu thuật thất bại thì bé sẽ rời xa mình sớm, còn không phẫu thuật thì bé có thể sống với mình thêm vài năm. Mình rối bời. Có thời gian, hầu như đêm nào mình cũng thức tới gần sáng rồi đi lấy hàng, không thể ngủ được… Và mình nghĩ sẽ đưa bé đi khắp nơi, miễn ở đâu nói con gái mình còn cơ hội”… Hành trình làm cha lắm gian truân, nhưng cũng thật hạnh phúc “Nếu ai đó hỏi mình, làm cha có vất vả không, thì câu trả lời là có chứ, nhưng chăm sóc một em bé thiệt thòi còn vất vả hơn nhiều. Gian nan đấy, nhưng hạnh phúc vô cùng”, anh Minh trải lòng.”Chăm sóc con vất vả nhưng hạnh phúc vô cùng”. 2 vợ chồng bận rộn quán xá với sạp rau tấp nập là thế, nhưng đều “tự thân vận động”, chăm sóc con cái. Thời gian đầu, có sự trợ giúp của ông bà để chăm bé Su, nhưng sau đó, anh cùng vợ tự tay chăm con gái vì không muốn con tủi thân, thiệt thòi hơn nữa. Khoảnh khắc anh Minh đút từng thìa cháo cho con gái út”Su tội lắm, bé nhỏ nhất nhà, thiệt thòi nhất nhà. Mình thương con bé lắm. Nên bây giờ, cứ ai vô tình hỏi về nó, là mình không kìm được xúc động. Con bé yếu ớt nên cho ăn cũng khó, ngủ cũng khó. Nhưng rất tình cảm và theo ba”, anh Minh kể. Cứ rảnh rỗi, anh Minh lại chơi đùa cùng cô con gái nhỏ, anh muốn bù đắp cho con tất cả sự thiệt thòi…

Anh Minh thường rời nhà vào 2h sáng để đi lấy hàng, trở về nhà vào 7h sáng và bắt đầu chăm sóc, chơi đùa cùng con cái. Cứ 14h chiều, anh lại sấp ngửa với sạp rau để kịp nguồn cung cho người dân nơi đây. Chuỗi thời gian ngủ nghỉ của anh vừa “lệch múi giờ”, vừa chẳng nhiều nhặn là bao, nhưng với anh, được ở nhà, được gần gũi, chơi đùa cùng các con là những điều anh hạnh phúc nhất: “Mình thường sắp xếp công việc để chơi cùng con, đặc biệt là con út, để con bé không tủi thân, không thấy thiệt thòi. Chăm sóc con bé dù vất vả, nhưng từ lúc sinh ra, chưa bao giờ mình cáu với con. Chỉ muốn bù đắp cho con tất cả sự thiệt thòi”, anh Minh tâm sự. Được bên con là điều ước lớn lao nhất. Được biết, bé Su đã thực hiện đợt mổ tim theo chỉ định của bác sĩ, may mắn ca mổ bước đầu thành công. Hiện tại sức khỏe của bé Su đã dần ổn định, dù vẫn phải tái khám định kì theo lịch hẹn. 2-3 tuần/lần, hoặc 1-2 tháng/lần. Thời gian này, do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên đợt khám lại cho bé Su lần này, anh Minh vẫn chưa thực hiện được. Nói về mong ước của mình, anh thật thà bộc bạch: “Bệnh của con như thế, mình biết nên chẳng dám ước mơ gì nhiều, mình chỉ mong ước con bé có thể sống được lâu nhất với vợ chồng mình”… Anh Minh chia sẻ, sẽ xăm hình con gái lên vai vào thời gian gần nhất… Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, anh Minh nhắn nhủ với mọi người: “Hãy tận hưởng những điều nhỏ nhặt, rồi một ngày nào đó, bạn có thể nhìn lại và nhận ra chúng là những điều lớn lao”.

Chia sẻ về những hình xăm trên cơ thể, thoạt nhìn có vẻ “hổ báo” là vậy, nhưng lại khác hoàn toàn với tính cách nhân hậu, bao dung và dễ xúc động của mình, anh Minh kể: “Hình xăm trên cơ thể mình là nghệ thuật và tín ngưỡng. Mình thích xăm hình nghệ thuật. Mình dự định sẽ xăm hình con gái út của mình lên vai nữa”. Nhiều năm qua, anh Phạm Hồng Minh (sinh năm 1983) đã rất quen mặt với người dân phường Bình Đa, TP Biên Hoà, Đồng Nai bởi mở ra sạp rau bán thì ít, tặng cho người khó khăn thì nhiều. Khi các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại địa phương, anh Minh càng tăng cường tặng rau cho mọi người, đặc biệt là những người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Mỗi khi nhập rau về từ chợ đầu mối, anh bày rất nhiều tại sạp hàng và viết tấm bảng mời mọi người đến nhận. Những lời nhắn gửi dễ thương mà anh viết như “Hôm nay hơi mệt, mua nhiều giùm chứ đừng hỏi”, “Bán rau muống đột biến giá 5 tỷ đồng “, “8-3, tặng mỗi em một trái bầu”… nhận được sự thích thú, quý mến của nhiều người dân. Sau gần một năm nổi tiếng, ông chủ sạp rau lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý khi hình ảnh cùng phát ngôn “chất lừ” được dân mạng lan truyền với nội dung: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải lúc này” khi bị bạn bè chửi là “ngu” vì không tăng giá giữa mùa dịch. Nhưng với anh Minh, thời điểm dịch bệnh, kinh tế khó khăn, đối với người bình thường đã vậy, với người lao động nghèo thì còn khó khăn gấp bội, nên anh không “kinh doanh”, dù chỉ là mớ rau hay quả trứng. Anh bán hàng với giá hợp lý và giúp người bằng cả trái tim mình! Những hình ảnh đẹp về người đàn ông xăm trổ đầy mình nhưng lại có tấm lòng nhân hậu và ấm áp sau khi được lan truyền đã nhận về bão like cùng cơn mưa lời khen của rất nhiều người dùng mạng.