Đăng bởi Để lại phản hồi

NGƯỜI TRI THỨC CHÂN CHÍNH

“Người trí thức chân chính không hẳn là người biết nhiều. Điều quan trọng hơn là họ biết rõ mình biết cái gì, và không biết cái gì. Biết rõ mình không biết cái gì khó gấp ngàn lần biết rõ mình biết cái gì. Và điều đó chính là thước đo chính xác nhất của cái gọi là “trình độ văn hoá”.

Người có học vấn thực sự, nhờ trải qua những bước đường gian nan, cực nhọc để có được những tri thức mà trước kia mình tưởng là rất dễ, biết rằng những điều mình đã học được chỉ là hạt muối bỏ biển so với những điều mình chưa học. Và bao giờ cũng phải có học một cái gì đã, rồi mới bắt đầu biết là mình không biết cái gì.

Cho nên người có học không bao giờ nghĩ rằng có những ngành nghề mà mình không cần học giờ nào cũng có thể bàn đến được, càng không bao giờ nghĩ rằng mình đủ sức viết hàng ngàn trang sách về những món ấy để dạy dỗ mọi người.

Đáng tiếc là khá nhiều người đã thành công rực rỡ trong một lĩnh vực nào đó rất dễ có ảo giác là người lỗi lạc như mình học gì cũng giỏi và thậm chí không học cũng biết. Ngay từ cái giây phút mà ở người trí thức này sinh ra cái ảo giác này, thì anh ta lập tức không còn là người trí thức nữa và trở thành con người ngu muội và lố bịch nhất trong thế gian: một kẻ vĩ cuồng.

“Trích: Tiếng Việt, văn Việt, người Việt | Giáo sư Cao Xuân Hạo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.