Nếu thường xuyên được rèn luyện những thói quen dưới đây, trí thông minh của trẻ sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Trường Y Harvard từng nghiên cứu và chỉ ra, 5-6 tuổi là thời điểm não trẻ phát triển 80-85%. Điều này đồng nghĩa 0-6 tuổi là thời kỳ đỉnh cao để phát triển IQ (trí thông minh) cho não bộ. Các chuyên gia gợi ý một số giải pháp để kích thích IQ của trẻ trong giai đoạn này.
1. Tập thể dục thường xuyên
Trong cuốn ”Tập thể dục làm biến đổi não bộ” của phó giáo sư John Reddy (ĐH Y Harvard) đã đề cập đến sự liên kết giữa việc tập thể dục và trí não. Nghiên cứu thực tế của John Reddy với 19.000 học sinh ở ngoại ô thành phố Chicago, Mỹ cho thấy khi áp dụng chương trình giáo dục thể chất kiểu mới, thành tích học tập của học sinh trong trường được cải thiện đáng kể.
Tập thể dục thường xuyên cũng giúp não tăng tốc. Một thí nghiệm trên chuột cho thấy, những con được tập thể dục, vùng hải mã có chức năng ghi nhớ lớn hơn 15% và nặng hơn 9% so với những con chuột không tập luyện.
Để đưa thể dục thể thao trở thành thói quen hàng ngày, giáo sư John Reddy khuyên bố mẹ:
– Chủ động đưa trẻ đi tập thể dục, việc này nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
– Cho trẻ tham gia các bộ môn thể thao trước giờ học.
– Khuyến khích và ủng hộ trẻ tập luyện thể thao cùng bạn bè.
2. Chơi game trong khoảng thời gian thích hợp
Giáo sư Hồng Lan, nhà khoa học não bộ của Đại học Trung ương Đài Loan chỉ ra, game không phải là kẻ thù của học tập, chơi trong khoảng thời gian thích hợp lại mang nhiều lợi ích.. “Nếu sử dụng đúng cách, game là đối tác của học tập và có lợi cho sự phát triển não bộ ở trẻ”.
TS Cheryl Olson, nhà tâm lý học công tác tại trường Y của Đại học Harvard đã viết một báo cáo liên quan đến động lực chơi game của trẻ, được đăng trên tạp chí Review of General Psychology.
Theo Cheryl Olson, trò chơi điện tử có thể giúp trẻ phát triển trí não, dạy trẻ kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Chơi game còn tạo sân chơi chung cho những đứa trẻ kết bạn, cho phép chúng đi chơi và tạo ra khoảng thời gian mang tính xây dựng, đồng thời cho phép trẻ chia sẻ niềm vui và sự cạnh tranh.
3. Duy trì thói quen đọc sách
Nhà giáo dục Vasily Sukhomlinsky của Ukraina từng nói: “Cách để trẻ thông minh hơn không phải là học bù đầu hay tăng lượng bài tập về nhà mà là thêm thời gian đọc sách”. Tạp chí Khoa học và Tâm lý của Mỹ từng công bố kết quả nghiên cứu tháng 1/2012, rằng đọc sách cho trẻ nghe kết hợp với tương tác có thể làm tăng chí số IQ của trẻ hơn 6 điểm. Một khảo sát khác về thói quen của 177 tỷ phú trên thế giới cũng chỉ ra, điểm chung của họ là dành nhiều thời gian đọc sách.
4. Cha mẹ dành thời gian nói chuyện với con
Các nhà khoa học từ Viện công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard và Đại học Pennsylvania, Mỹ đã kết luận: “Trẻ càng thường xuyên nói chuyện với cha mẹ, vỏ não càng hoạt động tích cực”. Theo các nhà khoa học, việc giao tiếp này sẽ giúp trẻ đạt điểm cao trong những bài kiểm tra ngôn ngữ và khả năng hiểu biết.
Richard Phillips Feynman là khoa học Mỹ gốc Do Thái, người đạt giải Nobel Vật lý từng chia sẻ trong cuốn tự truyện, sự thành công của ông là ảnh hưởng từ người bố. “Bố thường dạy tôi bằng cách đưa ra nhiều ví dụ khác nhau và thảo luận về chúng. Ông không gây áp lực, chỉ là những cuộc thảo luận thoải mái, vui vẻ. Điều này đã truyền cảm hứng cho tôi trong suốt cuộc đời và cho tôi cảm nhận về mọi lĩnh vực khoa học mà tôi quan tâm. Khi còn nhỏ, tôi rất thích những cuộc trò chuyện với bố”, ông nói.
Một bài báo đăng trên tờ MIT Technology Review viết: “Việc bố mẹ và con cái trò chuyện với nhau ảnh hưởng đến hoạt động tích cực của não bộ”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra trò chuyện không chỉ thúc đẩy mối quan hệ cha mẹ – con cái mà còn thúc đẩy các kỹ năng xã hội của trẻ. Trò chuyện cũng là động lực mạnh mẽ cho phép trẻ phát triển nhiều khả năng cùng một lúc.
Nguồn: vnexpress.net