Trong bài kiểm tra, một em học sinh viết: “Ai đó nói thứ đắt nhất bây giờ là niềm tin, thứ rẻ nhất là lời hứa. Em đồng ý”. Cô giáo Su đã khóc.
Hai mươi năm trước, tôi đến ngôi trường của Su trên rẻo cao huyện miền núi Simacai, Lào Cai, vào một ngày hoa mận bắt đầu khoe sắc. Lớp 7B hôm ấy nặng trĩu buồn. Cô Liên còn rất trẻ, ngậm ngùi bảo, lớp sắp vắng bạn Giàng Thị Su phải về lấy chồng vì hủ tục tảo hôn. Su học giỏi, đang phơi phới tương lai, bỗng dưng cánh của cuộc đời bị sập lại, em không có cách nào để chống lại thứ hủ tục có sức mạnh đáng sợ ở nhiều bản làng vùng cao, đã lấy đi bao học sinh của trường.
Cô giáo Liên nắm chặt bàn tay học trò: “Cô sẽ đến nhà, thuyết phục bố mẹ cho em tiếp tục đi học, cô sẽ nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Cô hứa!”. Hôm đó là thứ sáu, cô Liên dự định sẽ dành ngày thứ bảy để thực hiện lời hứa của mình dù trời đang mưa rét, sau đó sẽ về thăm nhà ở thị trấn Bắc Hà. Cô mời tôi, trên đường về, ghé nhà cô chơi.
Chủ nhật, tìm đến nhà cô giáo Liên, đập vào mắt tôi là chiếc quan tài sơn đỏ. Phía trên bàn thờ, bức ảnh chân dung cô giáo Liên đang cười, đôi mắt sáng nhìn tôi qua làn hương khói. Cô giáo Liên đã qua đời trên đường đến nhà học sinh Giàng Thị Su trên ngọn núi cao.
Trời mưa to, bất chấp nguy hiểm, cô vẫn đi trên con đường thi công dang dở, chiếc xe máy trượt bánh lao xuống thung lũng. Cô bị chấn thương quá nặng, nhưng trước lúc mất vẫn cố dặn ông chủ tịch xã đến cấp cứu mình: “nhất định phải giúp em Su được tiếp tục đi học”. Cô chết mà không nhắm mắt.
Cái chết của cô giáo Liên khiến tôi ám ảnh và cầm bút viết một truyện ngắn. Trong đó, tôi hư cấu thêm chi tiết: linh hồn cô giáo đã tiếp tục đến gặp bố mẹ Su, thuyết phục để em không phải bỏ học. Nhưng có một sự thật tôi không hư cấu. Sau khi cô qua đời, vấn đề tảo hôn đã bị lên án và chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ để chấm dứt hủ tục này. Su không phải lấy chồng ở tuổi 13 mà được tiếp tục đến trường. Su hứa trước mộ cô giáo Liên, sau này em sẽ trở thành giáo viên, trở về vùng cao dạy học.
Cô Liên trả giá bằng chính mạng sống của mình cho một lời hứa với học trò. Sự hi sinh đó mang lại điều kỳ diệu. Lớp 7B trở thành lớp xuất sắc nhất của trường. Các em luôn đặt niềm tin vô điều kiện vào lời thầy cô giáo.
Gần hai mươi năm đã trôi qua, trường học vùng cao ấy đã sáp nhập và thay tên. Những đứa trẻ của lớp 7B ngày nào giờ đã trưởng thành. Công việc làm báo đã giúp tôi gặp lại Giàng Thị Su ở một ngôi trường giáp biên giới Tây bắc. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm ở Hà Nội, Su lên vùng cao dạy học, giữ trọn lời hứa với linh hồn cô giáo Liên. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây mận trắng đang trổ hoa, cùng ôn lại kỷ niệm về cô giáo Liên.
Su bảo, cô luôn coi việc giữ lời hứa và nêu gương như một phương pháp sư phạm quan trọng nhất của mình. Su biết sức mạnh kỳ diệu của việc giữ lời hứa khi nghĩ về cô Liên, và giờ đây muốn trao truyền nó cho các học trò của mình. Cô muốn đào tạo ra những học trò luôn biết giữ lời hứa như một phẩm chất quan trọng hàng đầu con người cần có.
Nhưng mong muốn của Su gặp rất nhiều thử thách, những bất tín đang len lỏi vào ngôi trường và lớp học vùng cao. Su kể với tôi, học sinh của mình liên tiếp phải nhận những lời hứa suông. Đầu năm học mới, lãnh đạo địa phương đến khai giảng, hứa sẽ làm xong con đường vào trường đang đầy ổ voi ổ gà trước Tết. Thế mà Tết đến, đường vẫn chưa khởi công. Một đoàn công tác ở Thủ đô lên, hứa sẽ lắp cửa sổ các lớp học trước mùa đông. Mùa đông rét buốt, gió lùa tê tái mà cửa sổ vẫn chưa thấy đâu.
Rồi sau đó, một đoàn tự thiện đến, hứa sẽ mua ủng và tặng nhà trường cái tivi, rồi cũng mất hút. Dịp giáng sinh vừa rồi, có doanh nghiệp hứa sẽ cho người đóng ông già Noel đến tặng quà cho học sinh của ngôi trường vùng biên này. Nhưng các em chờ, chờ mãi. “Sao ông già Noel lại có thể thất hứa?”, một học sinh buồn bã hỏi Su.
Cô Su đã ra đề bài “Em hãy viết về lời hứa” vì nhớ tới cô Liên. Nhưng bài viết của học sinh là điều cô không mong đợi.
Su kể, những sự thất hứa đã hình thành thứ phản xạ nguy hiểm trong học trò của mình. Đầu năm nay, một nữ sinh dân tộc Mông của cô bị gia đình bắt về bản lấy chồng. Su gặp nữ sinh, nói những lời mà cô giáo Liên đã nói với mình gần hai mươi năm trước: “Cô sẽ đến nhà, thuyết phục bố mẹ cho em tiếp tục đi học, cô sẽ nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Cô hứa!”. Nữ sinh nhìn cô giáo đầy “khả nghi” và hỏi lại: “Em khó tin, cô hứa cô có làm không?”.
Lời hứa cứu rỗi cuộc đời Su còn mang một giá trị giáo dục mà cô tin có thể thay đổi con người. Nhưng nỗ lực đơn độc để giữ gìn một lời đã thốt ra của cô giáo trẻ liệu có thắng nổi một xã hội đang nhan nhản lời hứa được tuôn ra khắp muôn nơi…
Liệu rằng có ai còn nhớ mình đã hứa gì khi đến phát biểu ở một ngôi trường, hay nói gì với một đứa trẻ, một người thầy trong chuyến đi chóng vánh nào đó qua một vùng cao?
Phùng Nguyên
sưu tầm
Nguồn: vnexpress.net