Con người có thể vượt qua sự vô cảm và kiềm chế sự tức giận. Con người có thể giữ vững sự tự do về tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng thẳng về tinh thần lẫn thể chất.
Những người đã sống trong trại có thể nhớ đến những người đã đi bộ qua các dãy nhà để động viên những người khác, chia sẻ với họ mẩu bánh mì cuối cùng của mình. Có thể họ chỉ có vài người, nhưng điều đó cũng đủ để chứng minh rằng người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ một điều: sự tự do – sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình.
Và luôn có những lựa chọn mà ta phải quyết định. Mỗi một ngày, mỗi một giờ thường đem đến cho ta cơ hội để đưa ra quyết định, quyết định về việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe dọa cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn; quyết định về việc bạn có trở thành trò đùa của hoàn cảnh, chối bỏ sự tự do và phẩm giá của mình để bị nhào nặn thành hình nhân tiêu biểu cho phận tù hay không.
Theo quan điểm này, các phản ứng tâm lý của người tù trong trại dường như xuất phát từ chính bản thân họ hơn là từ tác động của những điều kiện nhất định về vật chất và xã hội. Thậm chí ngay cả các điều kiện như thiếu ngủ, thiếu ăn và các kiểu căng thẳng thần kinh có thể gợi ý rằng người tù bị buộc phải phản ứng theo những cách nhất định thì trong phân tích cuối cùng, rõ ràng người tù trở thành loại người nào là kết quả từ quyết định bên trong của họ, chứ không đơn thuần chỉ là kết quả từ ảnh hưởng của hoàn cảnh sống trong trại. Vì vậy, về cơ bản, bất cứ ai cũng có thể quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào về mặt tinh thần và tâm hồn, ngay cả trong những hoàn cảnh như thế. Người ấy vẫn có thể giữ lại phẩm giá của mình, dù là ở trong trại tập trung. Dostoevski đã nói rằng: “Chỉ có một điều mà tôi sợ: không xứng đáng với những đau khổ của mình”. Những lời này thường hiện lên trong đầu tôi sau khi tôi quen biết những người mà cách cư xử ở trại, sự chịu đựng và cái chết của họ đã xác nhận một điều rằng sự tự do còn lại bên trong tâm hồn không thể mất đi. Mọi người có thể nói rằng họ đã xứng đáng với những đau khổ của họ; cách họ trải qua đau khổ đã là một thành công đích thực. Chính sự tự do về tinh thần này – vốn không thể bị cướp đi – đã khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích.
Một cuộc sống chủ động đem lại cho con người cơ hội nhận ra giá trị trong những công việc sáng tạo, trong khi một cuộc sống hưởng thụ thụ động mang lại cơ hội để trải nghiệm cái đẹp, nghệ thuật hoặc tự nhiên. Nhưng trong cuộc sống còn có một kết quả khác mà hầu như không đem lại sự sáng tạo lẫn việc hưởng thụ, một cuộc sống chỉ chấp nhận một khả năng duy nhất về hành vi đạo đức: đó là thái độ của con người về sự tồn tại của mình, một sự tồn tại bị giới hạn bởi các tác nhân bên ngoài. Người đó bị cấm đoán sống một cuộc sống sáng tạo lẫn một cuộc sống hưởng thụ. Nhưng không chỉ có cuộc sống sáng tạo và cuộc sống hưởng thụ mới có ý nghĩa. Nếu cuộc sống có ý nghĩa, thì sự đau khổ nhất định cũng phải có ý nghĩa. Đau khổ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, thậm chí giống như số phận và cái chết. Không có đau khổ và cái chết, cuộc sống của con người không thể hoàn thiện.
Cách một người chấp nhận số phận và những đau khổ của mình, cách một người dám vượt qua những thử thách đó đem lại cho người ấy nhiều cơ hội để hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Người đó có thể giữ được lòng dũng cảm, tự trọng và bao dung. Hoặc trong lúc đấu tranh sinh tồn, người đó có thể quên đi phẩm giá của mình và trở nên không khác gì một con thú. Ở đây ẩn chứa cơ hội mà một người có thể tận dụng hoặc bỏ qua để nắm giữ các giá trị đạo đức mà nghịch cảnh đem lại. Và điều này quyết định việc người đó có xứng đáng với nỗi đau khổ của mình hay không.
Đừng nghĩ rằng những suy xét này cao xa và quá viển vông. Đúng là chỉ có một số ít người mới có thể chạm tay vào các tiêu chuẩn đạo đức cao như thế. Chỉ có một số ít tù nhân giữ được sự tự do bên trong và hiểu được giá trị mà những đau khổ đem lại, nhưng chỉ riêng những ví dụ ấy thôi cũng đã đủ chứng minh rằng sức mạnh bên trong của con người có thể giúp người ấy vượt lên số phận. Những người như vậy không chỉ có ở trong các trại tập trung. Ở đâu con người cũng phải đương đầu với số phận và cũng có cơ hội đạt được điều gì đó từ chính nỗi đau của mình.
Trích sách Đi tìm lẽ sống.
Nguồn bài viết: stylemagazine.vn