Đăng bởi Để lại phản hồi

ĐỌC SÁCH THÌ KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU!

Tôi yêu sách. Tôi thích đọc. Và tôi sẽ đọc nhiều nhất có thể. Tôi bảo với mọi người rằng họ cũng nên làm giống tôi và dành nhiều thời gian để đọc mỗi cuốn sách. Nhưng khi tôi nghe người ta đang mất đi dần kiên nhẫn của họ khi tăng tốc độ đọc của sách nói, hay lướt nhanh hơn trên những ứng dụng đọc sách, hay khi nghe từng phần nhỏ của cuốn sách mỗi khi bước đi trên đường, tôi lắc đầu ngao ngán.

Sai, sai hết rồi! Họ không hiểu được vấn đề của việc đọc.

Đọc sách cũng như ăn uống, làm tình và ngồi thiền. Vấn đề là nó khiến bạn thỏa mãn và thấy có ý nghĩa. Đọc sách cũng như nghe nhạc, mà nghe nhạc thì không vội được đâu!

Nhưng gần đây nó lại trở thành xu hướng lớn cho những doanh nhân thành đạt. Ví dụ trên tờ Quartz có đăng tải câu chuyện:

“Tôi bắt đầu đọc theo kiểu ‘ultra hardcore’ khoảng 7, 8 năm về trước.” Tom Bilyeu, một doanh nhân ở Los Angeles chia sẻ. ‘Ultra hardcore’ của Bileyu có nghĩa là đọc ở mọi lúc mọi nơi: khi đánh răng, khi mặc đồ, và trong khoảng thời gian 30 giây ngắn ngủi băng qua phòng khách, anh ấy cũng đọc.

“Bí mật của tôi là tôi đọc ở mọi khoảnh khắc chuyển tiếp hành động.” Và trong vòng suốt 8 năm qua, anh ấy tối ưu hóa thời gian của mình bằng cách nghe sách nói ở tốc độ gấp 3 lần so với thông thường.

Tôi cũng biết Tom. Chúng tôi thậm chí còn từng làm việc cùng nhau. Cậu ấy là một anh chàng tuyệt vời và là một người yêu thích sách vở. Nhưng đáng tiếc là cậu ấy đã đọc sai cách mất rồi, và nếu bạn học theo cậu ấy, thì rồi sớm muộn gì bạn cũng sẽ làm sai thôi.

Bài báo này nói lợi ích của sách nói, không chỉ giúp chúng ta nghe sách nói ở tốc độ nhanh hơn mà còn giúp chúng ta “đọc” trong khi vẫn còn đang làm việc khác. Xử lí đa nhiệm trong khi đọc sách là một điều ngớ ngẩn. Nó làm tôi nhớ đến một bộ phim truyền hình Seinfeld khi nhân vật George cố gắng kết hợp thức ăn và xem thể thao để biến nó thành tình yêu.

Đọc sách tự nó đã đủ tốt cho mỗi người, và nó không chỉ chính đáng mà còn là một trong những điều tốt đẹp nhất bạn có thể sử dụng thời gian của chính mình.

Chỉ có duy nhất 2 hoạt động khác nên làm khi đọc sách để cải thiện nó:

1. Ngồi ở một vị trí đẹp.

2. Lắng nghe âm thanh du dương êm ái.

Thế là đủ, những hoạt động khác có thêm vào cũng chỉ khiến cho đọc sách trở nên kém hiệu quả mà thôi.

Một sự thật đáng buồn của việc tìm kiếm những cách để cải thiện năng suất là người ta luôn có tư tưởng tham bát bỏ mâm, chăm chăm tiết kiệm những cái nhỏ mà lại bất cẩn tiêu tốn những cái lớn. Họ dành hàng giờ đồng hồ để làm email chung để tiết kiệm 20 giây để trả lời khi có ai đó gửi thư đến đến, nhưng lại sẵn sàng bay ra nước ngoài tham dự một hội thảo kéo dài 3 ngày nơi mà chẳng gì được giải quyết hết. Họ mày mò mãi mới tìm ra một phần mềm luyện viết hay nhưng lại chần chừ ngồi sử dụng nó ngay lập tức. Họ thuê một trợ lý ảo để quản lý lịch trình nhưng lại chẳng bao giờ hỏi các cuộc họp và và các cuộc điện thoại khi nào thì xảy đến.

Hãy lấy chiến lược của Tom là ví dụ. Người ta thường hay khoe mẽ rằng làm thế nào họ đã đọc cả một đống sách. Chẳng khác gì người ở thời kỳ đồ đá. Tất cả thời gian bạn dành để đánh răng và vô số những thời khắc khác, đặc biệt khi bạn đang tua nhanh thời gian ở mức độ gấp 3 lần, thì dường như là một cuộc tranh cãi hấp dẫn. Nhưng bài báo đã chỉ ra rằng Tom đọc được chỉ 50 cuốn mỗi năm, nghĩa là mội tuần mới xong một cuốn.

Nếu nó là 500 cuốn sách, tôi nghĩ chúng ta chắc chắn sẽ phải đọc thật kỹ bài báo và chắc mẩm phải có gì đó thú vị. Tôi thậm chí còn đọc được nhiều hơn một cuốn mỗi tuần trong khi tôi làm hai công việc toàn thời gian đồng thời đang viết thêm một cuốn sách mới. Không phải khoe khoang gì nhưng đó là sự thật. Tôi có nhiều thời gian bởi lẽ nó vô cùng quan trọng với tôi. Tôi biến thời gian thành một phần của công việc. Có rất nhiều những bà mẹ đơn thân phải vật lộn để kiếm sống nhưng vẫn đọc hết 4 cuốn sách mượn thư viện trong một tháng. Tôi đã gặp nhiều người như thế mà chẳng dùng mẹo đọc sách nào hết.

Có rất nhiều thứ có thể bị cắt bỏ hoặc lùi lại trước khi bạn bắt đầu đọc khi đang trong bồn tắm. Và cũng có rất nhiều điều phải được làm trước (ví dụ như đọc cuốn gì, tại sao cần đọc cuốn đó, đọc xong thì học được gì) để việc đọc một cuốn sách trở nên có ý nghĩa hơn. Nhưng để tôi nói đơn giản cho bạn nghe:

Bạn không cần phải nhét việc đọc vào những giây phút ngắn ngủi khi đang làm việc khác, điều bạn cần làm là vứt hết những thứ tào lao khác ra khỏi việc đọc và biến nó thành đọc sách thực sự.

Ngày hôm qua, tôi bay từ Chicago đến Austin. Tôi bay vé hạng nhất, xung quang tôi toàn là doanh nhân, những người mà đúng kiểu “tôi quá bận rộn để đọc sách”. Và họ làm gì ở trên máy bay? Xem phim trên iPads, trả lời email, nói chuyện phiếm. Tôi là người duy nhất trong khoang đó đang đọc một cuốn sách giấy. Trong khoảng hai tiếng rưỡi tập trung, tôi đọc gần hết cuốn sách mới mua.

Nhưng khi tiến gần đến trang cuối của một cuốn sách không phải là điều khiến tôi tự hào. Tôi cảm thấy tự hào là mình đã có một khoảng thời gian yên tĩnh và chiêm nghiệm. Cuốn sách tôi đang đọc là về một người đàn ông đang cố hủy bỏ cuộc viễn chinh Coronado đi đến phía tây nam trên lưng ngựa. Tôi quay trở về 500 trước và lạc mình trong vùng sa mạc. Tôi thoát khỏi sự xao nhãng của thế giới thực tại. Tôi bị cuốn theo những câu chữ. Tâm trí tôi hoàn toàn bị chiếm giữ. Tôi đang học hỏi và vẫn luôn là vậy.

Phải nhớ rằng chúng ta chẳng có phần thường nào vào cuối đời nhờ vào việc đã khuấy đảo được nhiều cuốn sách nhất có thể. Nhớ rằng phải luôn quý chất hơn lượng. Vấn đề không nằm ở việc bạn đọc xong bao nhiêu cuốn sách, số sách bạn đọc sẽ chẳng bao giờ nhiều hơn số sách thư viện đâu. Mà vấn đề là bạn đọc cuốn sách nào, lựa chọn sách đọc khiến bạn trở nên tốt đẹp hơn nhiều. Thời gian bạn dành để đọc chúng, thời gian bạn rút ra điều gì đó hay ho và ý nghĩa từ cuốn sách mới là điều bạn sẽ nhớ mãi đến cuốn cuộc đời. Đó mới là phần thưởng thực sự.

Vậy nên với những người yêu thích việc đọc sách, những người đọc rất nhiều và nghĩ rằng mọi người cũng nên đọc nhiều hơn, với những người sẽ mỉm cười khi thấy doanh số bán sách nói của tôi vào cuối năm tăng nhiều hơn, tôi chỉ cầu xin các bạn một điều:

Làm ơn đừng tự tước đoạt đi một trong những trải nghiệm quan trọng nhất của cuộc đời bạn. Đừng đuổi theo hiệu năng khi đọc sách.

Tôi biết năng suất có ý nghĩa rất lớn, nhưng chúng không có ích gì với việc đọc đâu.

Có duy nhất một nguyên tắc mà những kẻ đọc sách vĩ đại thường chia sẻ: Họ đánh giá cao việc đọc. Họ coi nó là một việc cần ưu tiên làm trước. Họ không nhét việc đọc xen lẫn trong những sự ưu tiên khác. Họ biến nó trở thành ưu tiên hàng đầu. Họ biết rằng kể từ đây, mọi thứ sẽ đi liền theo, bạn càng đọc nhiều và càng dành nhiều thời gian cho mỗi cuốn sách thì bạn càng cải thiện việc đọc của chính mình. Họ yêu thích đọc sách nhưng lại không cố dồn ép bản thân đọc cho đến khi phát chán. Không, thay vào đó, họ thưởng thức từng cuốn sách.

Và bạn cũng nên làm vậy.

Nguồn: Trạm Đọc |

Đăng bởi Để lại phản hồi

CÂU CHUYỆN NGẮN: BÀI HỌC TỪ NGƯỜI THẦY DẠY VÕ

Phần lớn hạnh phúc hay bất hạnh được quyết định bởi tính cách của bạn chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh” – Martha Washington.

Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học judo với một võ sư Nhật.

Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyện mà thầy chỉ dạy cho mình mỗi một thế võ duy nhất.

Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:

– Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?

Ông trả lời:

– Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.

Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.

Nhiều tháng sau, lão sư phụ dẫn cậu đến tham dự một cuộc thi judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu.

Trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.

Lần này, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dặn kinh nghiệm hơn. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hoàn toàn bị đối phương áp đảo. Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:

Cứ để cậu bé tiếp tục. – Võ sư yêu cầu.

Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn.

Cậu bé đã đoạt chức vô địch.

Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu.

Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra cái điều ám ảnh trong đầu mình bấy lâu nay:

– Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?

Con chiến thắng vì hai lý do. Người thầy trả lời.

– Lý do thứ nhất con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại

– Mà con lại không có tay trái.

Đôi khi, một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn. Hãy tin vào chính mình, bạn có thể làm tất cả!

“Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn.” – Wille Jolley

Đăng bởi Để lại phản hồi

7 KỸ NĂNG GIÚP TRẺ TĂNG “SỨC ĐỀ KHÁNG” TINH THẦN , NĂNG LỰC XÃ HỘI

Sau những nghiên cứu về các đặc điểm có liên quan đến việc tối ưu hóa khả năng phát triển của trẻ, nhà tâm lý học đã đúc rút 7 kỹ năng trẻ cần có để tăng “sức đề kháng” tinh thần, năng lực xã hội…

Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba cho rằng trẻ em cần có tuổi thơ an toàn, được yêu thương và có kỷ luật, nhưng cũng cần quyền tự chủ, năng lực và quyền tự quyết để phát triển.

Sau đây là 7 kỹ năng giúp trẻ trở thành người thành công.

1. Sự tự tin

Các bậc cha mẹ thường đánh đồng lòng tự trọng với sự tự tin. Họ nói rằng “con thật đặc biệt”; hoặc “con có thể làm bất cứ điều gì con muốn”.

Tuy nhiên, thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy việc nâng cao lòng tự trọng sẽ làm tăng khả năng thành công trong công việc và học tập, thậm chí là hạnh phúc đích thực.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ coi điểm số của mình là do nỗ lực và điểm mạnh của bản thân sẽ thành công hơn trẻ tin rằng chúng không thể kiểm soát được kết quả học tập.

Sự tự tin thực sự là kết quả của việc con làm tốt, đối mặt với những trở ngại, tạo ra giải pháp và tự mình khắc phục. Những đứa trẻ có lòng tự tin biết rằng chúng có thể thất bại nhưng cũng có thể đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề.

2. Đồng cảm

Có 3 loại đồng cảm cần lưu ý. Sự đồng cảm về tình cảm là khi con chia sẻ cùng người khác và thấu hiểu cho cảm xúc của họ. Sự đồng cảm trong hành vi là khi sự thấu cảm thúc đẩy con hành động với lòng trắc ẩn. Sự đồng cảm về mặt nhận thức là khi trẻ hiểu được suy nghĩ và biết đặt mình vào vị trí của người khác.

Để giúp con phát triển sự đồng cảm, phụ huynh có thể dạy con bằng cách:

– “Gắn nhãn” cảm xúc: Chủ ý gọi tên cảm xúc theo từng ngữ cảnh nhất định để giúp con có vốn từ vựng về cảm xúc, chẳng hạn: “Con đang hạnh phúc”, “Con cảm thấy buồn”…

– Đặt câu hỏi: Một số câu hỏi như “Con cảm thấy thế nào?”, “Con sợ hãi điều gì ư?”… giúp con nhận ra rằng, mọi cảm giác hiện hữu đều là điều rất bình thường. Cách mà con chọn để thể hiện chúng có thể khiến con gặp rắc rối.

– Chia sẻ cảm xúc: Trẻ em cần có cơ hội để bày tỏ cảm xúc của mình một cách thoải mái. Hãy tạo ra không gian đó bằng cách chia sẻ cảm xúc của chính bạn, ví dụ: “Bố/mẹ không ngủ đủ giấc nên đôi khi hay cáu gắt”, “Bố/mẹ thất vọng với cuốn sách này”…

– Để ý đến người khác: Cha mẹ có thể chỉ ra cảm xúc khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của người xung quanh: “Con nghĩ ông ấy cảm thấy thế nào?”, “Con đã bao giờ cảm thấy như thế này chưa?”…

3. Tự chủ

Khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, hành động và mong muốn của trẻ là một trong những điểm mạnh có tương quan cao nhất đối với sự thành công và là bí mật đáng ngạc nhiên chưa được khai thác để giúp trẻ phát triển.

Một cách để dạy con tính tự chủ là đưa ra các tín hiệu. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc thay đổi trọng tâm giữa các hoạt động. Đó là lý do tại sao giáo viên sử dụng “tín hiệu chú ý”, như rung chuông hoặc tín hiệu lời nói “Hãy nhìn lên trên”.

Phát ra một tín hiệu, cùng nhau thực hiện và đợi kết quả, chẳng hạn: “Bố/mẹ cần con chú ý trong một phút này”, “Con đã sẵn sàng để nghe chưa”.

Các bậc phụ huynh cũng có thể nhắc nhở con dừng lại một chút để suy nghĩ trước khi hành động: “Nếu con đang tức giận, hãy đếm đến 10 trước khi con trả lời” hay “Đừng nói bất cứ điều gì khi con không muốn người khác biết”.

4. Chính trực

Sự chính trực là tập hợp các niềm tin, năng lực, thái độ và kỹ năng đã học được nhằm giúp trẻ biết điều gì là đúng và sai. Một điều quan trọng không kém là hãy để cho con không gian để phát triển bản sắc đạo đức của riêng chúng. Ngoài ra, cha mẹ đừng quên thừa nhận, khen ngợi khi con có hành vi đúng đắn, để chúng nhận ra rằng bạn coi trọng điều đó.

Dạy con về lòng chính trực, sau đó mô tả hành động để trẻ biết mình đã làm gì để được công nhận. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên sử dụng từ “bởi vì” giúp lời khen ngợi trở nên cụ thể hơn. Chẳng hạn, “Điều đó cho thấy con là người chính trực vì đã không hùa theo câu chuyện phiếm”; “Con đã thể hiện sự chính trực khi biết giữ lời hứa đi với bạn mặc dù con phải từ bỏ bữa tiệc”.

5. Tính tò mò

Sự tò mò giúp con trẻ theo đuổi và mong muốn khám phá những sự kiện mới lạ và đầy thử thách, cam go. Để kích thích sự tò mò của trẻ, Michele Borba thường sử dụng đồ chơi, tiện ích hay trò chơi có kết thúc mở; chẳng hạn như sơn, các loại sợi và que kem để tạo ra các công trình, hoặc đưa ra những chiếc kẹp giấy, dụng cụ làm sạch đường ống và thử thách con xem chúng có thể sử dụng món đồ đó bằng bao nhiêu cách khác thường.

Thay vì nói “Con làm thế sẽ không hiệu quả”, hãy thử nói với con trẻ: “Hãy xem điều gì sẽ xảy ra!”. Thay vì đưa ra câu trả lời, cha mẹ hãy hỏi: “Con đang nghĩ gì?”, “Làm sao con biết?”, “Làm thế nào mà con có thể tìm ra chúng?”.

Khi con đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hoặc chỉ đi ngang qua ai đó, hãy sử dụng những câu hỏi “Bố/mẹ tự hỏi”: “Bố/mẹ tự hỏi cô ấy đang đi đâu”, “Bố/mẹ tự hỏi tại sao họ lại làm như vậy?”, “Bố/mẹ tự hỏi điều gì xảy ra tiếp theo?”.

6. Sự kiên trì

Sự kiên trì giúp trẻ có thể tiếp tục tiến lên khi mọi thứ xung quanh có thể khiến con nản chí. Sai lầm có thể khiến con đi chệch hướng và không đến được mục tiêu. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp con khắc phục và xác định những vấp ngã của con.

Một số trẻ bỏ cuộc vì cảm thấy quá tải khi gặp phải nhiều vấn đề hoặc một chồng bài tập. Việc chia nhỏ các nhiệm vụ thành các phần nhỏ hơn sẽ giúp ích cho những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung.

Ví dụ, cha mẹ có thể dạy con gái mình “chia nhỏ” bằng cách che tất cả các bài toán của con bằng một tờ giấy, ngoại trừ hàng trên cùng. Hạ tờ giấy xuống hàng tiếp theo khi mỗi hàng toán được hoàn thành.

Những đứa trẻ lớn hơn có thể viết mỗi bài tập vào một tờ giấy dính, theo thứ tự độ khó và làm một việc tại một thời điểm. Phụ huynh khuyến khích trẻ làm điều khó nhất trước để con không quá căng thẳng và phải nghĩ về nó cả đêm. Sự tự tin và tính kiên trì được xây dựng khi trẻ hoàn thành các công việc lớn hơn một mình.

7. Lạc quan

Những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại là tạm thời có thể vượt qua được, vì vậy chúng có nhiều khả năng thành công hơn. Còn những đứa trẻ bi quan coi những thử thách là vĩnh viễn, giống như những khối xi măng không thể di chuyển, nên sẽ có nhiều khả năng bỏ cuộc.

Dạy trẻ tinh thần lạc quan bắt đầu từ chính các bậc cha mẹ. Hãy điều chỉnh những thông điệp hằng ngày và tự đánh giá xem liệu phụ huynh có nhìn nhận mọi chuyện theo hướng bi quan hay lạc quan hơn không. Theo đó, bạn thường mô tả mọi thứ là tích cực hay tiêu cực, toàn diện hay chủ quan, qua lăng kính màu hồng lạc quan hay màu xám buồn tẻ… Bạn bè và gia đình có nói như vậy về bạn không?

Nếu bạn thấy tinh thần của mình đang nghiêng về một bên, hãy nhớ rằng sự thay đổi bắt đầu bằng cách nhìn vào gương. Nếu bạn thấy mình bi quan, hãy viết ra lý do trở nên lạc quan hơn sẽ hữu ích. Thay đổi là khó, nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải là tấm gương cho những gì bạn muốn con mình học hỏi.

Theo: Dân trí

Đăng bởi Để lại phản hồi

9 LÝ DO TRÌ HOÃN THÀNH CÔNG CỦA BẠN

Với suy nghĩ chỉ lướt Facebook một chút rồi sẽ làm tiếp, bạn có thể bị sa đà, khiến công việc bị tồn đọng.

1. Thất bại trong quá khứ

Ai cũng từng trải qua thất bại. Đôi khi bạn cố gắng rất nhiều nhưng kết quả không như mong muốn. Khi đó, chúng ta có hai lựa chọn. Một là thất vọng và tiếc nuối; hai là phân tích tình huống, hiểu mình làm sai ở đâu và thử lại lần nữa. Stephen King, ông hoàng truyện kinh dị của nước Mỹ là ví dụ điển hình về tính kiên nhẫn. Dù tác phẩm đầu tay bị từ chối 30 lần bởi các nhà xuất bản khác nhau, ông vẫn không hề bỏ cuộc.

2. Mục tiêu không thực tế

Ước mơ có thể biến thành mục tiêu, nếu bạn hiểu rõ tiềm lực của bản thân và lên kế hoạch đúng đắn để đạt được đó. Nếu mục tiêu đặt ra có vẻ không thực tế, bạn nên thay đổi một chút hoặc chia thành các mục tiêu nhỏ hơn.

3. Tìm người để đổ lỗi

Thế giới có hai kiểu người. Kiểu thứ nhất không ngừng đổ lỗi người khác cho thất bại của bản thân, kiểu thứ hai tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Kiểu người thứ nhất có thể chỉ trích chính phủ, đất nước, bố mẹ không cho mình đủ nguồn lực để đạt được thành công. Trong khi đó, kiểu người thứ hai biết rõ rằng thành công phụ thuộc vào nỗ lực, sự kiên trì và mục tiêu do chính mình đề ra. Thất bại trong quá khứ thậm chí có khả năng thúc đẩy họ thành công hơn trong tương lai.

4. Suy diễn quá nhiều

Việc tự lý giải bản thân theo hướng tiêu cực khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Khi nghĩ quá nhiều, bạn sẽ luôn cảm thấy buồn chán, thậm chí tuyệt vọng. Điều này không giúp bạn tiến gần tới thành công mà đẩy bạn đi xa hơn. Do đó, bạn hãy tập cách tự lý giải hay phê bình bản thân một cách hợp lý, logic.

5. Thiếu sự ủng hộ từ người thân

Sự ủng hộ của người thân có ý nghĩa lớn trong chặng đường đạt được thành công. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể đối mặt với những hiểu lầm hay ý kiến tiêu cực từ họ, khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn. Trong tình huống này, bạn nên kiềm chế cơn giận để đừng gây ra những xung đột không đáng có. Lựa chọn tốt nhất là thể hiện tình cảm với những người bạn yêu thương, đồng thời giải thích việc bạn đang làm quan trọng như thế nào, bạn muốn đạt được kết quả gì và sự ủng hộ của họ có ý nghĩa ra sao.

6. Không chịu trách nhiệm cho hành động của mình

Không phải mọi việc xảy ra trong đời đều là lỗi của chúng ta, nhưng chúng ta phải chịu trách nhiệm. Đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh sẽ không giúp thay đổi tình hình. Với việc nhận trách nhiệm, bạn có thể khiến mọi việc trở nên thuận lợi hơn trong tương lai. Khả năng nhận lỗi và sửa lỗi là điều kiện tiên quyết để thành công.

7. Bỏ cuộc giữa chừng

Bạn từng bắt tay vào nhiều việc cùng lúc và không hoàn thành bất kỳ việc gì hay chưa? Bạn có thể hăng hái đặt mục tiêu tập thể thao, ăn uống lành mạnh, nhưng nhanh chóng dừng sau một tuần hoặc một tháng. Lý do duy nhất cho việc này là sự thiếu kiên trì khi không nhìn thấy kết quả rõ ràng ngay trước mắt.

8. Không tập trung vào mục tiêu cụ thể

Đa số trong chúng ta sống và làm việc theo nguyên tắc sau: “Lướt Facebook vài phút nữa thôi và mình sẽ quay lại với công việc”. Sau đó, chúng ta bị cuốn hút vào những tin tức thay đổi liên tục trên mạng và khó lòng tập trung vào nhiệm vụ quan trọng hơn. Kết quả, chúng ta còn rất nhiều công việc tồn đọng, một đống quần áo bẩn chưa giặt trong khi bản thân vẫn đang lướt Facebook

9. Mơ mộng hão huyền

Nhiều người thường dành nhiều thời gian để mơ mộng và không nhìn vào thực tế. Việc này trở thành thói quen, khiến họ sống trong thế giới tưởng tượng của chính mình, chờ đợi một phép màu và không nỗ lực để đạt được mục tiêu. Nếu bạn không làm gì, chỉ đứng yên một chỗ, khả năng thành công vô cùng thấp. Bạn hãy bỏ cuộc sống nhàm chán lại phía sau và thử làm điều gì đó mới mẻ để tăng cơ hội thành công.

Theo: vnexpress.net

Đăng bởi Để lại phản hồi

CÂU CHUYỆN NGẮN Ý NGHĨA

Trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã ghi lên bảng đen bốn phép tính sau:

2 + 2 = 4

4 + 4 = 8

8 + 8 = 16

9 + 9 = 20

Thấy vậy các phụ huynh thi nhau nói rằng:

“Cô giáo làm sai một phép tính rồi.

Cô giáo quay người lại và chậm rãi nói rằng:

Vâng, các vị phụ huynh đều có thể rõ ràng thấy rằng phép tính này bị cộng sai.

Nhưng đằng trước có ba phép tính đều đúng, tại sao không ai để ý khen ngợi điều ấy, mà chỉ thấy mỗi một phép tính do tôi làm sai!

Sau đó cô giáo đã nói một cách đầy chân thành sâu sắc:

Các vị phụ huynh thân mến, bản chất của giáo dục không phải là tìm tòi phát hiện ra cái sai của con trẻ, mà là kịp thời tán dương những điều trẻ làm đúng.

Làm người cũng vậy. Nếu bạn đối xử tốt với ai đó cả trăm, cả nghìn lần, người đó sẽ coi đó như một thói quen. Và chỉ một lần bạn làm phật ý người đó, thì mọi điều tốt trước kia có thể bị phủ định hoàn toàn và người ta chỉ còn chú tâm đến lỗi lầm ấy của bạn!

Đây chính là nguyên tắc về bản chất con người: 100 – 1 = 0.

Giữa bạn bè với nhau cũng vậy, giữa gia đình người thân cũng thế.

Chủ đề này được đưa ra ngày hôm nay là để tình bạn và tình cảm gia đình của các bạn độc giả có thể kéo dài lâu bền.

Lùi một bước trong tình bạn để mối quan hệ thăng hoa, nhường một bước trong tình thân để hòa khí cả nhà dâng cao.

Người xưa có câu: “Chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng”

Đây chính là chân lý làm người, từ trẻ con đến người lớn, chúng ta đều cần học cách nhớ ơn báo đáp.

Đăng bởi Để lại phản hồi

XU HƯỚNG LÀM VIỆC/ HỌC TẬP CỦA MỘT NGƯỜI HƯỚNG NỘI LÀ…

1. Thường thích làm việc 1 mình hơn so là làm nhóm. Khi làm việc trong một nhóm có nhiều khi cảm thấy quá tải vì có quá nhiều người, hoặc có quá nhiều ý kiến.

Đôi khi chỉ muốn lắng nghe ý kiến của các thành viên, nhưng nghe nhiều lại cảm thấy hơi lạc lõng và vô dụng khi không đóng góp được gì cho nhóm.

2. Buổi sáng đi học thì ngồi bấm điện thoại, mọi người hay nói sao không thấy nó học bài gì hết dị, nhưng hướng nội không học buổi sáng họ bắt đầu học và làm việc từ 22h trở đi vì đó là lúc yên tĩnh nhất.

Họ thích sự yên tĩnh vì nó giúp họ tập trung cao hơn.

Thích một mình không ồn ào, đến nỗi nhiều người nghĩ người hướng nội bị bệnh tự kỉ.

3. Học nhưng chỉ tập trung vào những môn mình giỏi, hiểu bài và cảm nhận được giá trị lợi ích của việc học điều đó. Và một khi đã hiểu bài và thích rồi, họ sẽ nhớ nó siêu dai.

Với thứ không thích và không hiểu được giá trị của nó thì khi được hỏi lại họ sẽ trả lời “đã từng học và đã từng nhớ”… (thực ra họ chả nhớ gì ngoài trí nhớ mang máng)

4. Nơi làm việc và học tập chỉ quanh đi quẩn lại trong góc phòng ngủ, không thể đi xa hơn, không thể để bất cứ ai trong phạm vi đó.

Khi đó mới tập trung được.

5. Làm việc, học hành trong môi trường nào cũng đều ổn, chỉ là không thích tiếp xúc với người khác nên luôn phải gồng. Gồng xong về nhà thì ở 1 mình yên tĩnh sạc lại năng lượng thôi.

6. Tập trung tốt hơn khi ở một mình vào ban đêm.

Nguồn: Public Speaking

Đăng bởi Để lại phản hồi

SỐNG

Với họ, mỗi người chỉ có một lần được sinh ra nên họ luôn trân trọng cuộc sống của mình, để khi những khó khăn qua đi, họ sẽ nở nụ cười mãn nguyện vì đã và đang sống một cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa…

Ngày xưa, tôi có một người bạn hàng xóm bị khuyết tật từ nhỏ. Sinh ra, bàn tay của cậu bị thiếu ngón, hai chân co quắp, đi lại rất khó khăn. Để bạn tôi tự tin và có kiến thức, mẹ cậu đã đăng ký cho cậu đi học. Ban đầu, các bạn trong lớp còn trêu trọc cậu nhưng sau thấy bạn năng nổ, học giỏi, đặc biệt là tính cách nhiệt tình, vui vẻ nên ai cũng yêu mến bạn. Bất cứ hoạt động nào của lớp, chúng tôi cũng rủ cậu tham gia và cậu đều hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình. Cậu bảo, bản thân luôn lạc quan vì điều đó làm cho cuộc sống của bạn thêm tươi sáng, hơn nữa, cậu luôn nghĩ đến mẹ để phấn đấu.

Ngày nhỏ, mẹ cậu luôn dằn vặt mình vì cho rằng lỗi tại bà không cẩn thận khi mang thai nên mới khiến cho bạn tôi sinh ra không được lành lặn như bao người khác. Để mẹ thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực ấy, cậu lúc nào cũng nở nụ cười, luôn cố gắng trong cuộc sống và chan hòa với mọi người. Dù cuộc sống hồi nhỏ của gia đình cậu khó khăn nhưng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đong đầy của mẹ con cậu. Với nghị lực vươn lên của mình, hiện tại bạn tôi đã trở thành một kỹ sư tin học, có việc làm ổn định và chăm lo được cho mẹ cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chú chủ nhà nơi tôi sống cũng là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên. Ngày nhỏ, chú cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác, mạnh khỏe và cao ráo. Năm chú 10 tuổi, do một lần bị cảm, gia đình không đưa đi cấp cứu kịp nên hai chân chú cứ thế teo dần và không đi lại được. Cho dù được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng chân chú không có tiến triển. Chú phải dùng tay, chống hai chiếc ghế gỗ để di chuyển.

Dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng chú không ngừng cố gắng vươn lên. Để không bị phụ thuộc vào gia đình, khi trưởng thành có nghề nghiệp ổn định, chú đã theo học tại một trường nghề, về sửa chữa điện. Tính chú cẩn thận, nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác nên chú rất đông khách, người dân quanh vùng đều yêu quý chú. Thương các cụ già đạp xe hay đi bộ xách đồ đến sửa, chú không lấy tiền. Họ nhất định gửi tiền nhưng chú bảo: “Cháu giúp ông bà, cháu nhận rồi nhưng biếu lại ông bà. Ông bà mà trả là lần sau cháu không sửa cho đâu!”.

Nhà nào đồ đạc cồng kềnh chưa kịp mang đến sửa là chú nhiệt tình đến tận nhà, mà giá lại rất rẻ. Chú bảo cứ làm cho khách hết mình là khách sẽ hiểu và gắn bó với mình lâu dài. Khách nào đến sửa đồ, khi ra về chú cũng dặn dò họ cách giữ gìn để tránh hỏng hóc. Phương châm của chú là phải làm thật chỉn chu cho khách. Không chỉ uy tín trong công việc, trong cuộc sống thường ngày chú cũng luôn vui vẻ và hay giúp đỡ người khác, không nề hà bất cứ việc gì.

Với nhiều người, khi gặp những khó khăn trong cuộc sống sẽ có những lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi thậm chí là bế tắc nhưng hãy nghĩ đến những người không có may mắn xung quanh. Họ bị khuyết tật,… nhưng vẫn nỗ lực, quyết tâm vươn lên với niềm tin và sự lạc quan mãnh liệt.

Với họ, mỗi người chỉ có một lần được sinh ra nên họ luôn trân trọng cuộc sống của mình, để khi những khó khăn qua đi, họ sẽ nở nụ cười mãn nguyện vì đã và đang sống một cuộc đời thật đẹp và ý nghĩa…

An Nhiên

Nguồn: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn

Đăng bởi Để lại phản hồi

HIỂU VỀ CHRONOTYPE (THỜI GIAN SINH HỌC) ĐỂ ĐẢM BẢO SỨC KHỎE VÀ LÀM VIỆC HIỆU QUẢ HƠN

Hiểu rõ về chronotype của mình (như “chim sớm” và “cú đêm”) sẽ giúp bạn điều chỉnh thói quen sinh hoạt hợp lý, tránh được sự uể oải, đảm bảo sức khỏe cũng như làm việc hiệu quả hơn.

Nếu như nhịp sinh học đóng vai trò như một chiếc “đồng hồ” điều hòa các hoạt động của cơ thể bạn trong suốt một ngày, chẳng hạn như ăn, ngủ, làm việc… thì chronotype là yếu tố quyết định khi nào những hoạt động đó sẽ xảy ra.

Hơn nữa, mỗi người sở hữu một chronotype khác nhau. Đó là lý do vì sao có người lại làm việc rất hăng hái vào sáng sớm, nhưng những người khác lại cảm thấy mệt mỏi, không minh mẫn khi phải làm việc vào ban ngày.

CHRONOTYPE LÀ GÌ?

Theo Health Line (trang web nổi tiếng về y tế, sức khỏe của Mỹ), chronotype là loại thời gian sinh học, liên kết chặt chẽ với nhịp sinh học để điều hướng chu kỳ thức – ngủ của một người. Ví dụ như bạn thường đi ngủ vào lúc 3h sáng và thức dậy lúc 7h sáng, về lâu dài, cơ thể sẽ tự hiểu là 3h sáng mới là giờ bạn có thể ngủ ngon.

Một điểm lưu ý quan trọng là nếu bạn có thể thay đổi nhịp sinh học của mình vì nó chịu ảnh hưởng của thói quen, thì chronotype rất khó để điều chỉnh (bạn vẫn có thể nếu kiên trì). Những người thuộc phái “cú đêm” vẫn có thể dậy sớm, tuy nhiên, họ vẫn tỉnh táo và sáng tạo nhất về đêm khuya.

CÁC KIỂU THỜI GIAN SINH HỌC

Điều tạo nên sự khác biệt về chronotype của mỗi người có thể do quá trình tiến hóa, khi tổ tiên của chúng ta thường phải thay phiên nhau kiếm ăn và canh gác thú dữ.

“Chim sớm” và “cú đêm” có lẽ là hai kiểu chronotype phổ biến nhất. Đây là hai kiểu giờ sinh hoạt xảy ra vào đỉnh điểm giao giữa ngày và đêm. Tuy nhiên, thời gian sinh học còn được phân loại trên phạm vi rộng hơn, trải đều các khung giờ.

Chim sớm: Bạn minh mẫn nhất vào sáng sớm và đầu giờ tối. Bạn đi ngủ và thức dậy đều sớm.

Cú đêm: Bạn làm việc năng suất nhất vào giờ khuya và trưa muộn. Bạn đi ngủ muộn và dậy muộn

Chim yến (swifts): Năng lượng của bạn đạt đỉnh vào đầu giờ chiều và tối muộn. Bạn thường đi ngủ sớm và thức dậy muộn.

Chim dẽ gà (woodcocks): Năng lượng của bạn đạt đỉnh vào sáng muộn và đầu giờ tối, cùng với thời gian thức dậy muộn và đi ngủ sớm.

Hầu hết 40% chúng ta là “cú đêm” hoặc “chim sâu buổi sáng”, số còn lại được xếp vào nhóm ở giữa (“chim yến” và “chim dẽ gà”). Theo một nghiên cứu của tạp chí khoa học Chronobiology International (2017), còn có nhóm bimodal – những người linh hoạt phân chia thời gian ban ngày cho các hoạt động xã hội và ban đêm cho các hoạt động khác.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Tâm lý Michael Breus (tác giả cuốn sách The Power of When, 2016), thời gian sinh học còn được chia ra làm 4 kiểu tương ứng với 4 con vật.

Nhóm gấu: Khoảng một nửa dân số thế giới thuộc nhóm gấu. Nhóm gấu hoạt động tốt nhất vào buổi sáng và giảm dần năng lượng ở xế chiều.

Nhóm sói: Giống với cú đêm, nhóm sói hoạt động năng suất vào buổi tối và thường chậm chạp vào ban ngày, thích thức khuya và giải quyết công việc khi người khác dần nghỉ ngơi.

Nhóm sư tử: Những người thuộc nhóm này thường thức dậy rất sớm và có thể hoàn thành khối lượng lớn công việc trước giờ nghỉ trưa. Năng lượng của nhóm nhóm sư tử sẽ dần giảm vào chiều và kiệt sức hẳn sau khi mặt trời lặn.

Nhóm cá heo: Khác với các nhóm trên, nhóm cá heo thường đạt năng lượng cao nhất vào buổi sáng muộn và không có giờ ngủ nhất định. Họ dễ cảm thấy mệt trong ngày và nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như tiếng ồn, ánh sáng.

ẢNH HƯỞNG KHÔNG TỐT TỪ VIỆC LÀM “CÚ ĐÊM” NHIỀU

Hầu hết các hoạt động xã hội đều diễn ra vào ban ngày, vì vậy, những người thường chỉ tỉnh táo để làm việc vào ban đêm sẽ có ít thời gian để ngủ hơn, dẫn đến nhiều hệ quả về sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, lệch múi giờ so với hoạt động của mọi người, đột quỵ, lo âu, trầm cảm…

ĐẢM BẢO SỨC KHỎE VÀ NĂNG SUẤT LÀM VIỆC VỚI BÍ QUYẾT ĐIỀU CHỈNH CHRONOTYPE

Thay đổi chronotype cần thời gian và công sức rất nhiều, thường thì nhóm người thuộc trường phái làm việc buổi đêm sẽ khó điều chỉnh chronotype của mình hơn những nhóm ở giữa.

Nếu công việc hay các nghĩa vụ xã hội khiến bạn mệt mỏi vì không đáp ứng được chronotype của bạn, sau đây là một vài gợi ý giúp bạn dung hòa sinh hoạt hàng ngày với thời gian sinh học của mình để đảm bảo nguồn năng lượng dồi dào, tích cực hơn.

Từ từ thay đổi thời gian đi ngủ và thức giấc sớm hơn 15 – 30 phút mỗi ngày. Đừng quên dành thời gian cho giấc ngủ nhiều hơn nhé.

Tắm nắng vào buổi sáng sớm khi bạn thức dậy và tránh ánh sáng nhân tạo.

Tập thể dục kết hợp tắm nắng buổi sáng.

Đời sống hôn nhân: Nếu vợ/chồng bạn có chronotype khác nhau, bạn có thể cùng người bạn đời trao đổi về nhu cầu của mình, chẳng hạn như thay phiên nhau chăm sóc con cái vào thời điểm khác nhau trong ngày, ngủ ở hai phòng khác nhau nếu hai bạn phải đi làm vào hai khung giờ khác nhau.

Xã hội: Để đảm bảo hiệu năng làm việc, sự sáng tạo cũng như sức khỏe của nhân viên, các công ty có thể áp dụng hình thức làm việc tại nhà hoặc áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.

Theo: Elle.vn

Đăng bởi Để lại phản hồi

3 THÓI QUEN GIÚP NGƯỜI NHÚT NHÁT CÓ THỂ TỰ TIN HƠN!

Dù nhút nhát không phải là bản tính xấu, tuy nhiên ở xã hội mà mọi việc thành hay bại đều phụ thuộc vào giao tiếp và mối quan hệ thì những người nhút nhát có thể sẽ gặp nhiều thiệt thòi hơn. Một vài thảo luận về những thói quen giúp người hướng nội có thể hòa nhập với thế giới loài người dưới đây hy vọng sẽ giúp ai đó cải thiện bản thân nhiều hơn.

1. HÃY TẠO CHO MÌNH SUY NGHĨ BẢN THÂN CHỈ SỐNG MỘT LẦN

Thói quen đầu tiên và cũng có thể là khó khăn nhất chính là hãy nghĩ rằng mình CHỈ CÓ MỘT CUỘC ĐỜI ĐỂ SỐNG và nhút nhát có thể sẽ làm bạn mất đi rất nhiều cơ hội tìm ra được ý nghĩa thật sự của cuộc đời mình. Ban đầu, những người khác có thể nghĩ bạn kỳ lạ, thô kệch hoặc ngu ngốc, hãy chấp nhận nó và tiến về phía trước.

2. NHẤN MẠNH SỰ TÍCH CỰC VÀ LOẠI BỎ NHỮNG SUY NGHĨ TIÊU CỰC

Những người nhút nhát, hướng nội có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực, dĩ nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ.

Vì nhạy cảm và thường chú ý đến thái độ của người khác nên họ thường nghĩ rằng ai đó không ưa mình hay đang nói xấu mình.

Cách để cố gắng thoát ra khỏi những cảm xúc của bản thân là khi giao tiếp với ai đó, bạn hãy cố gắng tương tác bằng mắt và mỉm cười thường xuyên. Dần dần điều đó sẽ trở thành thói quen và hình thành sự tự tin trong bạn.

Luôn nhắc nhở bản thân bình tĩnh trong những tình huống đối đầu, tranh luận. Đứng cao và thẳng với vai. Ưỡn ngực về phía trước và giữ vai thẳng ở phía sau. Hãy chú ý đến cách ăn mặc. Nếu bạn mặc đẹp và được mọi người chú ý, điều đó cũng giúp tăng thêm tự tin của bạn.

Nếu ai đó gây khó khăn hay ác ý với bạn, bạn chỉ cần nhớ rằng ai cũng có tâm trạng và câu chuyện của mình. Có thể họ đã có một ngày tồi tệ, vừa chia tay người yêu hay mất việc. Chỉ là bạn không biết, vì vậy bạn hãy chọn thông cảm hoặc đơn giản là đừng quan tâm.

Bạn xứng đáng được hạnh phúc khi sống vì vậy sự tiêu cực và căng thẳng là không cần thiết.

3. HÃY LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP, LUYỆN TẬP

Tự tin không phải là tính cách mà là một kỹ năng.

Và đã là kỹ năng thì chỉ cần bạn thực hành thường xuyên, bạn sẽ tiến bộ. Cách để luyện tập chính là mỗi ngày chọn ra điều khiến bạn sợ hãi nhất rồi vượt qua nó. Ví dụ như bạn sợ trả giá khi mua thịt ngoài chợ, hãy thử một vài lần.

Sau này bạn sẽ nhận ra những tình huống trước nay bạn thấy khó khăn và đáng sợ thật ra cũng không khó chịu đến mức đó. Luyện tập nhiều cũng dần dần cho bạn phản xạ tốt hơn.

Người hướng nội có cách sống và suy nghĩ riêng của mình, điều đó không có gì xấu hổ. Chỉ là bạn nên rèn luyện bản thân để tìm được nhiều trải nghiệm hay ho trong cuộc sống. Không sợ bạn đi chậm, chỉ sợ bạn dừng chân!

Nguồn: Hyystudies

Đăng bởi Để lại phản hồi

20 SỰ THẬT BẠN NÊN BIẾT CÀNG SỚM CÀNG TỐT

1. Xông pha bên ngoài, đừng quá yếu mềm, vì người có năng lực và bản lĩnh mới chiếm được sự kính trọng của người khác. Càng yếu mềm thì người ta càng thấy bạn dễ bắt nạt. Tốt hơn hết là ưỡn ngực thẳng lưng, can đảm thể hiện bản thân, như vậy bạn mới dễ dàng giành được sự tôn trọng hơn.

2. Nuôi dưỡng sự vô cảm một cách thích hợp. Nếu bạn quá nhạy cảm thì khi nhìn nhận vấn đề, hễ phạm sai lầm lại đặt nặng trong lòng, hễ gặp rắc rối là không thể kìm chế, nhìn thấy bất cứ ai cũng có cảm giác họ đang nói xấu hoặc chỉ trích bản thân. Loại tâm lý này sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng suy nhược thần kinh nếu kéo dài liên tục. Trên thực tế, ai cũng có thể xui xẻo, ai cũng từng mắc sai lầm. Đừng suy nghĩ nhiều rồi tự giết chết bản thân trước khi người khác làm điều đó.

3. Con người có thể chịu ảnh hưởng lẫn nhau rất nhiều, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, học tập phải tìm đúng thầy, làm việc phải tìm đúng người lãnh đạo phù hợp, cộng tác phải kết bạn với người cùng chí hướng. Như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ càng đi càng khác.

4. Dừng tiếc nuối quá khứ và đừng nghi ngờ tương lai. Những gì đã xảy ra trong quá khứ đều không thể thay đổi. Bạn không thể quay lại, cũng không thể tác động bất cứ điều gì. Nếu cảm thấy tiếc nuối trong lòng, hãy học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ đó, để khi đứng trước những quyết định tương tự trong tương lai, bạn có thể lựa chọn thích đáng hơn.

5. Tuyệt đối không hạ thấp tiêu chí lựa chọn bạn đời của mình chỉ vì cô đơn, dù là nam hay nữ. Đừng vì cô đơn mà yêu vội, đừng vì ngộ nhận mà bắt đầu. Đừng vì cô đơn quá lâu mà chấp nhận đến với một người khi chưa đủ tình cảm. Người ta có thể yêu một người trong 1 giây, nhưng đôi khi mất cả đời cũng không thể tiếp nhận nổi một người. Tốt hơn hết, bạn nên sống chậm lại và chờ đợi người thực sự phù hợp với mình xuất hiện.

6. Hãy tử tế với những người thân thiết nhất của bạn. Sai lầm lớn nhất của chúng ta chính là thể hiện bản tính tồi tệ nhất và mặt xấu nhất trước mặt người thân quen, nhưng lại dành sự kiên nhẫn và bao dung cho những người xa lạ. Sự thân thiết đôi khi khiến chúng ta quên mất cách để quan tâm, kiên nhẫn, thấu hiểu và tôn trọng sao cho đúng mực. Gương vỡ khó lành, bát nước đổ đi không hốt lại được, đó là sự thật. Các mối quan hệ cũng tương tự như vậy, một khi đã xuất hiện vết nứt thì dù cho bạn có làm bất kì điều gì cũng khó mà khôi phục trở lại hình dáng ban đầu.

7. Nếu bạn thất bại một lần không có nghĩa là bạn vô dụng. Ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, mọi thứ đều có thể xoay vần. Nhưng nếu bạn tùy tiện từ bỏ, chặt đứt sự phấn đấu, điều đó đã đặt dấu chấm hết cho tất cả mọi nỗ lực từ trước đến giờ, dẫn kết quả tới thất bại thực sự.

8. Điều gì khiến bạn hạnh phúc trong ngắn hạn sẽ khiến bạn không hạnh phúc trong dài hạn. Món gà rán tuy ngon nhưng chắc hẳn sẽ khiến bạn lo lắng về vóc dáng của mình. Trò chơi, xem phim hay lướt mạng rất vui, nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn phải tiếc nuối những thời gian đã lãng phí.

9. Học điều tốt 3 năm không đủ, học điều xấu 1 ngày cũng dư. Chúng ta luôn có khuynh hướng lựa chọn những gì đem tới hiệu quả nhanh nhất mà ít tốn công sức nhất. Và khi đứng trước những lựa chọn, một bên là điều có lợi trước mắt, không cần cố gắng gì nhiều và một bên là rất nhiều mồ hôi nước mắt, rất lâu sau mới nhận được kết quả, thì bản năng thường dẫn chúng ta tới lựa chọn đầu tiên. Giữa việc dậy sớm tập thể dục và ngủ nướng, giữa ăn uống kiêng khem và nhậu nhẹt vô độ, giữa làm ăn chân chính và đầu cơ chộp giật… Ai ai cũng có thể phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, nhưng không phải lúc nào lý trí cũng chiến thắng. Nhưng đừng quên, con người sở dĩ phát triển hơn động vật là vì chúng ta biết sử dụng lý trí để kiểm soát bản năng của mình.

10. Tìm hiểu một chút về tâm lý, bạn sẽ hiểu mọi người hơn, cũng biết thêm những gì nên làm và những gì không nên làm để đưa ra quyết định đúng đắn. Như vậy, nhân duyên sẽ dần cải thiện.

11. Trong cuộc sống, không thể tránh những lúc bất công. Ví dụ, bạn sẽ thấy những người kém tài năng hơn nhưng sống tốt hơn bạn. Nhưng không sao cả, tìm cách vượt qua họ chính là một cách tuyệt vời để chứng minh khả năng của bạn.

12. Khi còn trẻ, đừng mãi tự đào hố chôn mình trong tương lai, hãy học cách xây những cây cầu. Đừng bốc đồng, sống hợp lý hơn và biết hoạch định cho tương lai, đạt tới phiên bản tốt hơn của chính mình.

13. Khi gặp chuyện, thay vì đắm chìm trong hoang mang và lo lắng, hãy bắt tay tìm cách giải quyết vấn đề ngay và luôn. Bạn sẽ giảm được 80% bất an và đạt nhiều thành tựu hơn.

14. Nếu bạn muốn cải thiện khả năng của mình, hãy thử thách những gì bạn không thể làm được. Bạn càng thử thách, bạn càng phát triển nhanh hơn.

15. Ít người được đánh giá quá cao, nhưng cũng không ít người bị đánh giá thấp. Vì vậy, trước những lời chế giễu của người khác, bạn không cần phải buồn hay nghi ngờ bản thân. Sau tất cả, bạn chỉ cần là chính bạn. Chỉ bạn mới có thể quyết định mình là ai.

16. Đừng lúc nào cũng nghe lời người khác, bạn phải có chính kiến ​​của riêng mình. Những người không đủ năng lực sẽ bàn lùi. Những người cực đoan sẽ cho rằng thiên hạ toàn kẻ xấu. Còn người đủ sáng suốt sẽ tự trau dồi khả năng phán đoán và đưa ra nhận định cho bản thân.

17. Cho dù đó là tình bạn hay tình yêu, trải qua thử thách, chân tình mới thể hiện. Những người biến mất ngay khi biến cố xảy ra thì không cần níu kéo, chỉ cần tạm biệt.

18. Đừng sợ cô đơn, con người ta trở nên mạnh mẽ vì cô đơn. Đó là một thực tế rất đau lòng nhưng quả thật, không ai có thể đồng hành với bạn trên mọi nẻo đường, ở bên bạn mọi thời điểm khó khăn. Cho nên, bạn phải học cách tự mình đối mặt với cảm xúc và vấn đề. Khi bạn có thể tự mình giải quyết thì xin chúc mừng, bạn đã trở thành một người rất giỏi và mạnh mẽ.

19. Đàn ông luôn đánh giá cao người phụ nữ biết cười đùa, động viên và ủng hộ mình, vì với họ, điều đó thể hiện sự nỗ lực của người phụ nữ họ yêu cho mối quan hệ của hai người

20. Mẹ luôn luôn là người phụ nữ giữ vị trí số 1 trong tâm trí đàn ông. Đó là sự thật không bao giờ thay đổi. Đừng cạnh tranh hay ghen tị.