Ngày xửa ngày xưa, có một thiền sư tài năng hơn người. Ai cũng muốn học hỏi ông để được mở mang đầu óc. Một ngày nọ, một vị học giả để chỗ thiền sư xin lời khuyên: “Xin ngài hãy dạy ta về thiền”.
Tuy nhiên, vị học giả này là người hiểu biết đầy mình, lại có rất nhiều chính kiến riêng. Anh ta thường xuyên ngắt lời khi thiền sư kể chuyện và chẳng chịu nghe lời ông răn dạy. Do vậy, thiền sư quyết định mời vị học giả này uống trà.
Ông rót cho vị học giả một chén trà. Dù chén đã đầy, thiền sư vẫn tiếp tục rót, đến mức trà tràn cả ra bàn, ra sàn và ngấm vào áo ngoài của vị học giả kia. Anh ta kêu lên: “Hãy dừng lại! Chén trà đã đầy rồi mà. Ngài không thấy sao?”
“Chính xác”, vị thiền sư bình tĩnh mỉm cười. “Anh cũng giống như chén trà này: kiến thức dồi dào đến mức chẳng còn thêm được gì vào. Hãy quay lại đây với một cái chén rỗng.”
Qua câu chuyện này bạn rút ra được bài học gì cho bản thân mình?
Có rất nhiều người vẫn tự hỏi, tại sao mình hiểu biết và tài giỏi như thế mà cơ hội, may mắn và thành công vẫn chưa thấy đâu. Câu trả lời chính là: Đừng tỏ ra mình biết tất cả. Hãy luôn coi mình là học sinh, luôn mang tâm thế của một người đi học rồi thành công sẽ tìm đến bạn.
Nếu bạn muốn người khác nghĩ rằng mình là kẻ biết tuốt, bạn chỉ đang lừa mọi người và chính mình thôi. Bạn không giỏi như bạn nghĩ đâu.
Thành công đích thực chỉ đến từ tri thức, sự khiêm nhường và sự học hỏi. Bạn sẽ không thể thành công nếu nghĩ mình đã có đáp án cho mọi thứ. Và dù người ta có đánh giá bạn cao đến đâu đi nữa, bạn vẫn phải luôn dũng cảm tự nhủ với bản thân rằng: có rất nhiều thứ ta chưa biết và ta cần phải học. Đừng để lòng kiêu ngạo xâm chiếm lấy bạn vì nó có thể khiến bạn do dự lúc cần đồng tình, khiến bạn từ chối lời khuyên có ích và sự giúp đỡ thật lòng.
Hãy luôn “dại khờ”, luôn tìm hiểu và học hỏi những điều mà bản thân chưa biết để ngày càng hoàn thiện hơn.